(KTSG) – Việc đạt mục tiêu tăng thu ngân sách năm 2023 là hết sức thách thức với nền của năm 2022 đã cao. Và nếu thu nội địa vẫn là nguồn thu chủ lực thì áp lực thuế lên người dân sẽ như thế nào?
Từ số liệu của Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, thu ngân sách năm 2022 chắc chắn vượt 20% dự toán. Các khoản thu chính như thu nội địa, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu từ dầu thô đều đạt mức tăng trưởng hai con số.
Chưa cập nhật theo tình hình mới
Theo dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 mà Chính phủ đã trình Quốc hội thì tổng thu cân đối dự toán năm 2023 là 1,62 triệu tỉ đồng, trong đó thu nội địa là 1,33 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 82,32%. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 239.000 tỉ đồng, chiếm 14,75% và còn lại là thu từ dầu thô và viện trợ (không đáng kể).
Trong khi đó, chỉ trong 11 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách đã đạt 1,63 triệu tỉ đồng. Tổng cục Thuế cũng ước tính thu nội địa của năm 2022 sẽ là 1,38 triệu tỉ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Như vậy kết quả thực hiện của năm 2022 đã vượt kế hoạch của năm 2023 về con số tuyệt đối. Nếu như mục tiêu, nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 tăng so với ước thực hiện của năm 2022 thì các con số mục tiêu cần được cập nhật theo tình hình mới.
Tuy nhiên, nếu có cập nhật thì các mục tiêu cũng phải tính đến những yếu tố không thuận lợi khi kinh tế toàn cầu được dự báo là tăng trưởng chậm đáng kể trong năm 2023, và Việt Nam là nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng lớn từ xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong bốn nguồn thu ngân sách chính thì thu nội địa là quan trọng nhất, chiếm trên 80% tổng thu cân đối ngân sách. Trong các nguồn thu nội địa thì thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực doanh nghiệp nhà nước, các khoản thu về nhà đất, và thuế thu nhập cá nhân là những nguồn thu chính.
Ước thực hiện thu nội địa năm 2022 có ba nguồn tăng mạnh là của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh – với 279.000 tỉ đồng (dự toán 252.000 tỉ đồng), thu về nhà đất – với 232.000 tỉ đồng (dự toán 162.000 tỉ đồng) và từ thuế thu nhập cá nhân – với 145.000 tỉ đồng (dự toán 118.000 tỉ đồng).
Sự điều chỉnh giữa các nguồn thu
Dự toán thu ngân sách năm 2023 có quy mô và mức độ biến động lớn là ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân và các khoản thu về nhà đất. Trong khi hai khoản đầu tiên tăng đáng kể, ở mức 10-12%, thì các khoản thu về nhà đất giảm khoảng 25%, đặc biệt ở khoản thu tiền sử dụng đất.
Với tình hình kinh tế được dự báo là khó khăn hơn trong năm 2023, và nếu mục tiêu kế hoạch ngân sách vẫn đề ra ở mức tăng trưởng so với năm 2022 thì doanh nghiệp và người dân sẽ mang một gánh nặng thuế đáng kể trong năm 2023.
Năm 2022 là năm đột biến về thu ngân sách từ nhà đất khi các cơ quan quản lý chặt chẽ hơn trong việc xác định giá mua bán quyền sở hữu bất động sản, quyền sử dụng đất, đưa mức giá kê khai chịu thuế sát hơn với giá thị trường. Nhưng với những khó khăn của thị trường bất động sản từ những tháng cuối năm 2022 và còn có thể kéo dài sang năm 2023 thì tổng giá trị giao dịch sẽ giảm đi đáng kể, kéo theo giảm nguồn thu ngân sách từ nhà đất.
Như vậy, gánh cho nguồn thu nội địa sẽ là các khoản thu từ doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.
Thế nhưng trong công bố công khai thông tin ngân sách thì khoản thu từ các doanh nghiệp không đề cập rõ là thu bao nhiêu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, bao nhiêu từ thuế giá trị gia tăng, và bao nhiêu từ các khoản đóng góp bắt buộc của người sử dụng lao động.
Dù không nắm được các con số chi tiết nhưng với các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như việc tối ưu thuế thì cũng có thể ước đoán được thuế giá trị gia tăng là một nguồn thu quan trọng từ các nhóm doanh nghiệp khác nhau.
Việc tăng cường sử dụng hóa đơn điện tử, giao dịch không dùng tiền mặt, tăng cường kiểm tra kiểm soát đã giúp tăng đáng kể nguồn thu ngân sách trong thời gian qua, từ thuế giá trị gia tăng cho đến thuế thu nhập cá nhân.
Một số bất cập vẫn tồn tại
Hiện nay vẫn còn một số bất cập trong việc nộp thuế của một bộ phận dân chúng khi cơ sở tính thuế thấp và khung thuế suất nhiều bậc, khiến cho số lượng người trong diện nộp thuế thu nhập cá nhân nhiều, mà lẽ ra loại thuế này nhằm điều tiết những người có thu nhập từ mức khá trở lên trong xã hội.
Trong khi đó, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản hiện nay vẫn còn ở mức thấp, chưa xem là thuế trên lợi tức vốn (capital gains) và cũng tương tự như thuế trên giao dịch chứng khoán là 0,1% dù lời hay lỗ.
Ở nhiều nước, các khoản lời từ vốn phải chịu thuế và thường ở mức thuế suất cao, và các khoản lỗ sẽ được khấu trừ dần trong một số năm. Ví dụ như đầu tư chứng khoán lỗ trong năm tài chính thì khoản lỗ sẽ được chuyển sang và khấu trừ cho những năm tiếp theo. Đây cũng là lý do mà nhiều nhà đầu tư tận dụng “wash sale” trong chứng khoán khi bán đi các khoản lỗ và sau đó mua lại một khoản tương đương.
Với tình hình kinh tế được dự báo là khó khăn hơn trong năm 2023, và nếu mục tiêu kế hoạch ngân sách vẫn đề ra ở mức tăng trưởng so với năm 2022 thì doanh nghiệp và người dân sẽ mang một gánh nặng thuế đáng kể trong năm 2023. Nhưng nhiều nhất vẫn là những người dân có thu nhập vừa và thấp vì không thể né được thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Các doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh cũng sẽ san sẻ trách nhiệm thuế nhiều hơn, đặc biệt là các hộ kinh doanh, các cá nhân kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến.
Ở góc độ quản lý nhà nước, con số thực thu quan trọng hơn nguồn thu. Cho nên việc phân bổ giữa nguồn thu từ doanh nghiệp hay từ người dân là một sự lựa chọn có thể cân nhắc. Sự hỗ trợ người dân có thu nhập vừa và thấp cũng như các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ được thể hiện cụ thể qua thực tế đóng góp vào ngân sách của các nhóm đối tượng này.