Thủ tướng yêu cầu ưu tiên ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát

(KTSG Online) – Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số một với Chính phủ hiện nay là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

Thông điệp này được Thủ tướng nêu tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành bàn về những giải pháp để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sáng 28-7. Cuộc họp được tổ chức sau khi Ngân hàng dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm vào đêm 27-7 và ngân hàng trung ương các nước có nhiều đợt tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát tăng mạnh.

Theo người đứng đầu Chính phủ, tình hình thế giới đang tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ với lạm phát tăng cao, đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá. Ngoài ra, cạnh tranh chiến lược gay gắt và sự thay đổi định hướng chính sách ở nhiều quốc gia đã tác động tiêu cực đến nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là xuất, nhập khẩu, giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào.

Với Việt Nam – quốc gia có độ mở của nền kinh tế lớn – thì một biến động nhỏ từ bên ngoài cũng có thể tác động lớn đến tình hình trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: Quang Thương

Với bối cảnh trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Đồng thời, phát huy những bài học kinh nghiệm thành công trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô thời gian qua, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp kịp thời cả trước mắt và lâu dài; chủ động phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, khoa học, hiệu quả.

“Nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần chú trọng phòng, chống dịch COVID-19, nhất là đẩy mạnh tiêm chủng vaccine.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nền tảng cho phát triển bền vững.

Với những yêu cầu này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả.

Điều hành tỉ giá, lãi suất ổn định hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, chống đôla hóa, vàng hóa.

Bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp theo hướng tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, phát triển khu công nghiệp và nhà ở xã hội.

Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi; tiếp tục rà soát, giảm thuế, phí, lệ phí, các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường hợp tác công tư, khơi thông mọi nguồn lực, thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, lấy nguồn lực nhà nước kích hoạt, dẫn dắt mọi nguồn lực hợp pháp khác, góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Phát triển mạnh thị trường trong nước; đa dạng hóa các thị trường, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Đảm bảo điện cho sản xuất, tiêu dùng và an ninh lương thực, thực phẩm. Phát triển mạnh thị trường lao động, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng chiến lược, thiết yếu cho sản xuất và đời sống. Tiếp tục xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng, nhất là những dự án kém hiệu quả kéo dài.

Với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Thủ tướng giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên tham vấn chuyên gia, nhà khoa học và củng cố, phát huy vai trò của Tổ điều phối kinh tế vĩ mô trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới.