(KTSG Online) – Trong những năm gần đây, “xanh hóa” hoạt động sản xuất bao bì cho ngành hàng tiêu dùng đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất bao bì truyền thống tại Việt Nam đồng loạt chuyển mình theo xu thế xanh vẫn cần sự trợ lực từ chính sách của nhà nước.
Bao bì xanh – trợ thủ đắc lực trong việc tạo dựng thương hiệu
Chuyển đổi xanh trong sản xuất bao bì là hướng đi mới được đặc biệt chú trọng, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B). Ông Trần Hữu Như Anh, chuyên gia thiết kế bao bì, Giám đốc Công ty Bao bì Ánh Sáng chia sẻ: “Bao bì sản phẩm là công cụ truyền thông tĩnh, truyền tải các thông tin như lợi ích sản phẩm, giá trị thương hiệu, cam kết thương hiệu, lời hứa thương hiệu”.
Ý thức được giá trị của bao bì trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như truyền tải bản sắc doanh nghiệp, hàng loạt các “ông lớn” ngành F&B đã chuyển sang sử dụng bao bì thân thiện với môi trường nhằm tạo ấn tượng tốt trong mắt người tiêu dùng. Gần đây, Vinamilk và Pizza 4P’s đã bắt tay với An Phát Holdings để chuyển sang dùng túi sinh học phân hủy AnEco cho dịch vụ giao, đựng hàng, mang lại thiện cảm tốt hơn về nhãn hàng.
Đặc biệt, thông qua Hội nghị COP26, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Chính phủ đã kêu gọi doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm gắn với yếu tố xanh – sử dụng nguyên vật liệu, công nghệ thân thiện, đưa ra các sản phẩm sạch cho môi trường.
Hiệp hội sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường (EPMA) nhận định, xu hướng chuyển đổi sang bao bì xanh đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp phải thay đổi sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, từ đó nắm bắt cơ hội không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay ở thị trường nội địa.
Lộ trình dài cần sự chung tay
Đẩy mạnh sản xuất “bao bì xanh” mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp chế tạo các loại vật liệu mới, thân thiện môi trường. Song việc theo đuổi mô hình sản xuất này đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp.
Lãnh đạo Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, từ năm 2013 đến nay, doanh nghiệp đã nghiên cứu và phát triển thương hiệu xanh AnEco, trong đó có túi sinh học phân hủy thân thiện với môi trường. Dù phủ xanh thị trường của 20 quốc gia trên thế giới, chinh phục những thị trường khó tính nhất như Nhật, Mỹ, Canada và nhiều nước Châu Âu, nhưng hiện tại sản phẩm này vẫn khó nhân rộng tại các siêu thị Việt Nam. AnEco hiện chủ yếu bán qua sàn thương mại điện tử như Amazon, Shopee, Lazada và theo mô hình kinh doanh B2B (doanh nghiệp bán cho doanh nghiệp).
Sự chênh lệch giá thành chính là một trong những rào cản khiến bao bì xanh chưa đến tay đại đa số người tiêu dùng nội địa. Do chi phí sản xuất cao, còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu nên bao bì xanh có giá cao hơn nhiều so với túi nhựa thông thường. Hiện nay, túi sinh học phân hủy đạt tiêu chuẩn quốc tế trên thị trường có mức giá dao động từ 140.000 – 160.000 đồng/kg trong khi túi nylon chỉ khoảng 20.000 – 40.000 đồng/kg.
Ðáng chú ý, theo Luật Thuế môi trường hiện hành, túi nylon đang áp dụng mức kịch khung là 50.000 đồng/kg, song giá cả thực tế trên thị trường vẫn “rẻ như cho”. Điều này đặt ra câu hỏi: liệu có kẽ hỡ nào trong pháp luật quản lý thuế hay không?
Nếu áp dụng triệt để được mức thuế trên cho tất cả các cơ sở thì bao bì sinh học phân hủy mới có cơ hội phát triển. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, nhiều loại túi nhựa gắn mác” thân thiện với môi trường”, “tự huỷ sinh học” để tránh thuế đang xuất hiện tràn lan trên thị trường. Bản chất, đó chỉ là những sản phẩm nhựa thông thường được thêm một phần rất nhỏ chất phụ gia oxo để dễ phân rã thành vi nhựa. Nguy hiểm hơn, thời gian phân hủy các vi nhựa này thậm chí còn lâu hơn túi nhựa thông thường, song người dân lại chưa có đủ thông tin về các loại sản phẩm này.
Mặt khác, được làm từ nguyên liệu tái tạo, loại bao bì xanh còn tồn tại những hạn chế như độ bền chưa cao, thời gian sử dụng ngắn. Bởi vậy, việc thuyết phục khách hàng bỏ ra mức chi phí cao hơn để sử dụng dòng sản phẩm này lại là một bài toán khó cho các doanh nghiệp.
Trước những thách thức trên, để doanh nghiệp tự nguyện chuyển đổi sang bao bì xanh là điều không dễ dàng, nhất là khi đa phần doanh nghiệp Việt Nam đang theo xu hướng cố định và thụ động. Bởi vậy, việc đồng bộ mô hình kinh doanh sản xuất cần trợ lực về chính sách từ Chính phủ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Lê Thăng Long – Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường (EPMA) cho rằng: “Chính phủ cần có chính sách ưu tiên thuế, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý về thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông, túi nhựa khó phân hủy.”
Nhằm cải tiến, khắc phục các hạn chế của bao bì xanh, phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng, bên cạnh việc họ chủ động, Nhà nước cũng cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và phát triển nguyên liệu nội địa – để sản xuất bao bì xanh thân thiện môi trường, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sử dụng với giá thành hợp lý.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một cách thực tế rằng, xanh hóa bao bì không chỉ cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước mà phần quyết định nằm ở nỗ lực của các doanh nghiệp. Như đã phân tích ở trên, nguyên nhân cơ bản nhất của việc bao bì xanh chưa phổ biến với đại đa số khách hàng là do các nhà sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu xuất khẩu. Bởi vậy, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần tìm ra lời giải cho bài toán nguồn cung nguyên liệu cho ngành sản xuất bao bì xanh. Để giải quyết tình trạng này, các doanh nghiệp Việt đã làm thế nào? Xin mời đón đọc số tiếp theo.