(KTSG Online) – Trò chuyện với KTSG Online, GS. TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng chính sách tài khóa là quan trọng nhất để hỗ trợ nền kinh tế với trọng tâm là hỗ trợ về thuế, phí với mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp trong bối cảnh đối tượng này gặp khó về thị trường và chi phí sản xuất tăng cao.
Những vấn đề hiện hữu
– KTSG Online: Ông đánh giá ra sao về “sức khỏe” các trụ cột của nền kinh tế hiện nay?
– GS. TS Phạm Hồng Chương: “Sức khoẻ” các trụ cột của nền kinh tế hiện không được tốt khi số liệu về tình hình kinh tế – xã hội quý 1-2023 được Tổng cục Thống kê công bố đã phản ánh chân thực, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm, xuất – nhập khẩu, đầu tư công.
Về xuất – nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu tính đến ngày 15-4-2023 giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2022, theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 92,5 tỉ đô la Mỹ, giảm hơn 12%.
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với quy mô vốn được bố trí cao nhất từ trước đến nay đã cho thấy Chính phủ coi đầu tư công là trụ cột đặc biệt quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế, nhưng trong 3 tháng đầu năm mới giải ngân đạt 10,35% kế hoạch, tức là còn thấp hơn mức 11,88% trong cùng giai đoạn năm 2022.
Với tiêu dùng nội địa, quý đầu năm ghi nhận sự phục hồi với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 14%. Nhưng mức tăng 14% là so với cùng kỳ năm trước – thời điểm nền kinh tế mới tái khởi động trở lại, đặc biệt là mở cửa thị trường du lịch quốc tế. Như vậy, thị trường nội địa vẫn chưa phục hồi so với thời điểm trước đại dịch.
– KTSG Online: Theo ông, những yếu tố nào đang ảnh hưởng không tốt đến các nền tảng vĩ mô?
Kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam là sự suy giảm trong cầu hàng hoá, dịch vụ trên thế giới tác động đến tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.
Chính sách tiền tệ thắt chặt trên diện rộng và môi trường lãi suất cao cũng dẫn đến điều kiện tài chính không thuận lợi. Hơn nữa, lạm phát thế giới vẫn ở mức cao, tác động đến lạm phát và ổn định vĩ mô trong nước.
Tiêu dùng của thị trường trong nước bật tăng trở lại sau đại dịch là yếu tố đóng góp quan trọng nhất vào tăng trưởng năm 2022. Tuy nhiên, tốc độ tăng chi tiêu đã giảm trong quý 1-2023 phản ánh thách thức từ gia tăng lạm phát, khiến chi tiêu của người dân không còn tăng mạnh như trước.
Giá năng lượng duy trì ở mức cao cộng thêm các chi phí đầu vào khác gia tăng vẫn tiếp tục là những vấn đề mà các doanh nghiệp phải đối mặt, ảnh hưởng đến động lực đầu tư tư nhân trong nước.
Với các thị trường, điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế hiện nay là thị trường bất động sản. Sự biến động mạnh của thị trường quan trọng này đã gây rủi ro chéo với thị trường tài chính và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Với doanh nghiệp, một trong những thách thức lớn đặt ra là hiện nay là “sức khỏe” của doanh nghiệp đang suy giảm. Lần đầu tiên có tình trạng số lượng doanh nghiệp phá sản, tạm dừng hoạt động cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường, nguyên nhân do thị trường đầu ra khó khăn còn các chi phí đầu vào tăng lên.
Đây là những thách thức rất lớn cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Duy trì ổn định nền tảng kinh tế
– KTSG Online: Với bối cảnh trên, các cơ quan quản lý – điều hành cần làm gì để hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2023 được Quốc hội giao?
Về ngắn hạn, cần đẩy mạnh hơn nguồn lực cho các chính sách tài khoá trong gói hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ giải ngân. Với chính sách tiền tệ thì cần quan tâm đến hiệu quả và khả năng thực thi.
Về dài hạn, mấu chốt giải quyết mọi vấn đề nằm ở việc đổi mới thể chế kinh tế. Nếu chúng ta giải quyết tốt sẽ góp phần gia tăng nền tảng kinh tế một cách vững chắc, tránh các rủi ro tiềm ẩn trong tương lai, nhất là trong bối cảnh hiện nay rủi ro ngày càng lớn. Ngược lại, nếu chúng ta chú trọng quá nhiều vào việc phản ứng linh hoạt để tránh những “cú sốc” thì sẽ có phản ứng ngược là làm ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Thậm chí, nếu chúng ta vẫn tư duy “tôi không có nền tảng”, hoặc “thế giới ra sao, cú sốc thế nào sẽ phản ứng lại” thì rất nguy hiểm. Theo đó, phản ứng linh hoạt có những thời điểm mang lại hiệu quả, nhưng về lâu dài nền kinh tế sẽ phải có sự đánh đổi.
Đơn cử, muốn giữ được tỷ giá thì phải đánh đổi lại bằng kinh tế khó khăn. Việc đánh đổi “phản ứng linh hoạt” sẽ đẩy chúng ta vào trạng thái bị động khi thế giới bất ổn hay từ chính các “cú sốc” trong nước. Do đó, giữ ổn định nền tảng kinh tế mới thực sự có ý nghĩa quan trọng.
– KTSG Online: Theo ông, các cơ quan quản lý cần tập trung vào lĩnh vực nào để tạo bước đột phá trong tiến trình phục hồi kinh tế?
Trong nền kinh tế quốc dân, lĩnh vực, ngành nghề nào cũng quan trọng. Nhưng bất động sản là lĩnh vực đặc biệt. Đây là tài sản có giá trị lớn nhất với mỗi gia đình, cá nhân. Thậm chí, với rất nhiều doanh nghiệp, bất động sản cũng là tài sản lớn.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tổng giá trị bất động sản chiếm trên 30% tổng tài sản của quốc gia. Lĩnh vực bất động sản cũng liên quan trực tiếp và gián tiếp khoảng 30-40% các hoạt động trong nền kinh tế.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra, hoạt động thị trường bất động sản trên thế giới đóng góp khoảng 5,6-8,8% vào tăng trưởng GDP. Với Việt Nam, hoạt động kinh doanh bất động sản đóng góp 3,58% vào tăng trưởng GDP. Nếu tính cả xây dựng, với mức đóng góp vào tăng trưởng GDP khoảng 5,95%, thì lĩnh vực này đóng góp trực tiếp 9,53% vào GDP.
Với mức đóng góp trên, lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ hai, chỉ sau công nghiệp chế biến, chế tạo về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cả vốn trực tiếp lẫn gián tiếp, cả vốn đăng ký lẫn vốn giải ngân. Do đó, khơi thông được thị trường này sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
– KTSG Online: Điều này có nghĩa các cơ quan quản lý nên ưu tiên khôi phục lĩnh vực bất động sản trong giai đoạn hiện nay?
Bất động sản là ngành có khả năng lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế quan trọng như tài chính, ngân hàng, du lịch, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, vận tải hàng hóa… Vì vậy, cần có giải pháp tháo gỡ mạnh mẽ để phục hồi lĩnh vực này trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn do tiêu dùng thế giới giảm, đầu tư công hầu như chưa năm nào đạt kế hoạch, tiêu dùng nội địa phụ thuộc vào thu nhập của người dân.
Điểm yếu nhất của thị trường này đã được chỉ ra là cung mất cân bằng, cụ thể là phân khúc cao cấp dư hàng, nhưng cầu rất thấp; trong khi nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người có thu nhập từ trung bình trở xuống và nhà ở cho thuê có nhu cầu vô cùng lớn, song nguồn cung lại thiếu trầm trọng. Điểm yếu thứ hai là thiếu vốn, đặc biệt là nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp. Để tháo gỡ lĩnh vực bất động sản thì phải giải quyết hai điểm yếu kể trên.
Thực tế, chưa bao giờ Chính phủ và Thủ tướng đặc biệt quan tâm và đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ với lĩnh vực bất động sản như hiện nay. Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 được Chính phủ ban hành với nội dung yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung cao độ, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường. Đồng thời, không siết chặt nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán. Như vậy, việc khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản sẽ góp phần tăng thanh khoản cho thị trường.
Sau khi Nghị quyết 33 được ban hành, nhiều bộ, ngành đã có những động thái tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung, thị trường bất động sản nói riêng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023 với nội dung cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.
Trước đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023 về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Tôi kỳ vọng hai chính sách quan trọng này sẽ tháo gỡ được nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường bất động sản. Khi thị trường này phục hồi sẽ kéo theo hàng loạt ngành nghề, lĩnh vực khác phát triển.
Kiên trì cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh
– KTSG Online: Các nhà quản lý – điều hành kinh tế đã thảo luận nhiều năm về việc cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, nhưng thực tế cho thấy dường như không có nhiều thay đổi. Vậy phải làm gì để thay đổi thực tế?
Chúng ta phải tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ được lợi ích cho các nhà đầu tư trong tất cả các thành phần của nền kinh tế thì doanh nghiệp tư nhân trong nước mới có cơ hội phát triển.
Một trong những điểm tôi nhận thấy là việc tập trung thu hút dòng vốn FDI trong thời gian dài khiến đối tượng doanh nghiệp này ngày càng đóng vai trò lớn trong nền kinh tế với mức đóng góp hơn 70% vào tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu và luôn xuất siêu, 25% vào tăng trưởng GDP hàng năm. Tuy nhiên, thực tế đóng góp về giá trị gia tăng của đối tượng này cho Việt Nam lại không lớn.
Có một chi tiết ít người để ý, đó là vấn đề liên quan đến dòng ra, tức chi trả sở hữu thuần của các doanh nghiệp đến thời điểm này đang vượt dòng vào, tức là dòng chuyển giao từ bên ngoài, đặc biệt là kiều hối.
Điều này, dưới góc độ kinh tế vĩ mô, cho thấy sẽ có ảnh hưởng về tích luỹ tài sản sau này và tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
– KTSG Online: Vậy chính sách quản lý kinh tế thời gian tới cần thay đổi ra sao để mang lại hiệu quả cho nền kinh tế?
Vấn đề hiện nay là phải làm tìm cách gia tăng năng lực của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Muốn khu vực này đột phá thì khâu đầu tiên là phải cải cách thể chế một cách quyết liệt nhằm nâng cao năng lực về mặt dài hạn cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Bên cạnh đó, phải kiên trì cải thiện môi trường kinh doanh để khôi phục lại niềm tin, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn để cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Nếu làm được như vậy thì chi phí của doanh nghiệp sẽ giảm xuống, vì thể chế mà tốt thì chi phí sẽ giảm. Trong khi vấn đề then chốt của doanh nghiệp là chi phí, nhất là trong bối cảnh càng nhiều bất ổn, càng nhiều rủi ro thì nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định sẽ giữ vai trò quan trọng nhất, mà không phải là những phản ứng mang tính chất đối phó.
– KTSG Online: Với các doanh nghiệp, khó khăn chủ yếu tới từ suy giảm dòng tiền, thiếu thanh khoản, khó tiếp cận tín dụng. Các cơ quan quản lý cần điều hành chính sách tiền tệ ra sao trong bối cảnh hiện nay?
Chính sách tiền tệ năm vừa qua chịu sức ép quá lớn từ thế giới, phải giữ ổn định về tỷ giá hay lạm phát nhưng trong ràng buộc “bộ ba bất khả thi” bắt buộc phải hy sinh những mục tiêu khác. Ba trụ cột trong tam giác “bộ ba bất khả thi” gồm: tỷ giá cố định; tự do lưu chuyển vốn; tính độc lập của chính sách tiền tệ.
Trong đó, một mục tiêu rất quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng là tính độc lập của chính sách tiền tệ. Nhưng do chưa thể linh hoạt tỷ giá nên tính độc lập của chính sách tiền tệ bị thu hẹp. Với việc dư địa chính sách tiền tệ có xu hướng bị thu hẹp đáng kể nên khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm nhanh lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng là khó khăn.
Điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi là được hỗ trợ, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cũng như tháo gỡ những khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán để mở ra các kênh huy động vốn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!