(KTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tiếp tục chỉnh sửa chính sách, bổ sung các điều kiện, thủ tục nhằm tháo gỡ khó khăn với khách hàng vay vốn từ gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Sự chậm trễ trong triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% là một trong những câu hỏi được nhắc đến nhiều khi thảo luận về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững của Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022 diễn ra ngày 18-9.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cho những người vay vốn tại ngân hàng thương mại (NHTM) qua gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng là một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2022.Theo đó, NHNN đã triển khai loạt giải pháp để giải ngân gói hỗ trợ này.
Về hành lang pháp lý, NHNN đã phối hợp với các bộ và trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022 và Thông tư 03/2022 để hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai đến các đối tượng vay vốn.
Cơ quan này cũng thu thập thông tin đăng ký từ các ngân hàng thương mại để tiến hành đề xuất cùng với các bộ để phân bổ ngân sách 40.000 tỉ đồng trong hai năm. Theo đó, năm 2022 dự kiến sẽ phân bổ khoảng 16.000 tỉ đồng, sang năm 2023 dự kiến sẽ phân bổ 24.000 tỉ đồng còn lại.
Sau khi đã phân bổ ngân sách, NHNN tiến hành triển khai, hướng dẫn các ngân hàng thương mại và ban hành bộ tài liệu giải đáp trên 20 vấn đề trong quá trình triển khai như đối tượng, phương thức, về cách đăng ký, về cách lập dự toán cũng như rút vốn hỗ trợ và quyết toán.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng được yêu cầu phải tập trung mọi nguồn lực cao để triển khai nhanh các gói hỗ trợ này đến người vay vốn.
“Công tác truyền thông cũng rất được chú trọng, NHNN đã đề xuất lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo NHNN trực tiếp chủ trì nhiều hội nghị đến các NHTM để thông tin chính sách đến các đối tượng thụ hưởng là người dân và doanh nghiệp”, ông Hà nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận số giải ngân trên thực tế còn khiêm tốn. Cụ thể, dư nợ cho vay khoảng trên 4.400 tỉ đồng và đến được với 550 khách hàng tính tới thời điểm hiện tại. Còn số tiền lãi suất được hỗ trợ là trên 13 tỉ đồng.
Lý giải nguyên nhân, ông Hà cho biết việc triển khai hỗ trợ thực tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Về đối tượng được hỗ trợ lãi suất, ông Hà nêu hai vấn đề: “Trường hợp khách hàng không hoạt động đơn ngành mà là đa ngành, đa lĩnh vực, nếu một trong những lĩnh vực đó thuộc ưu tiên thì có được hỗ trợ hay không?”; “Có nhiều hộ gia đình là khách hàng vay vốn của ngân hàng thương mại nhưng lại không đăng ký kinh doanh, khi đối chiếu thì chưa đủ điều kiện đối tượng của chương trình”.
Về tiêu chí đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, ông cho biết hiện tồn tại sự khác biệt giữa tiêu chí đánh giá, thẩm định hiện tại của ngân hàng cho vay và tiêu chí đánh giá sau này của các cơ quan kiểm tra, thanh tra hay kiểm toán.
Ngoài ra, việc đánh giá tính khả thi của dự án sản – kinh doanh diễn ra vào thời điểm thẩm định dự án và quyết định giải ngân. Nhưng trong quá trình hoạt động có thể phát sinh rất nhiều biến cố dẫn đến phương án ban đầu khả thi. Điều này dẫn tới trườnh hợp khách hàng ban đầu có khả năng trả được nợ, nhưng sau đó gặp rủi ro dẫn đến khó khăn trong trả nợ.
“Vậy lúc đó có được coi là có khả năng phục hồi hay không”, ông Hà nêu vấn đề.
Hai khó khăn này, theo ông Hà, đã được NHNN nhận diện và đề nghị các bộ liên quan gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ cùng thống nhất theo hướng: khách hàng sẽ tự xác định ngành nghề kinh doanh của mình và khẳng định khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất; ngân hàng cho vay sẽ là người đánh giá chính và khẳng định được khách hàng có khả năng phục hồi hay không để thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất.
Bên cạnh những khó khăn trên, lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận có tâm lý sự e ngại từ phía ngân hàng cho vay là ngân hàng thương mại do trước đây từng gặp khó khăn tại khâu giải ngân và quyết toán tại một số gói hỗ trợ lãi suất.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, NHNN sẽ triển khai các nhóm, tổ liên ngành khảo sát tình hình thực tế triển khai tại các địa phương, tại các ngân hàng thương mại để nắm bắt và có giải đáp thắc mắc cũng như giải quyết vướng mắc trong thực tế.
Tiếp tục tổ chức các hội nghị kết nối giữa ngân hàng, của doanh nghiệp để doanh nghiệp hoặc người vay vốn có thể là cung cấp thêm các thông tin, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Cuối cùng, tiếp tục hoàn thiện chính sách, các điều kiện hoặc thủ tục tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.