(KTSG Online) – Tốc độ tăng trưởng tín dụng tại TPHCM đã giảm đáng kể từ cuối quí 2, chủ yếu vì hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng chưa được nới thêm.
Tín dụng chậm lại
Theo số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM mới đây, tính đến cuối tháng 8-2022, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tăng 0,4% so với cuối tháng trước và tăng 11% so với cuối năm 2021.
Trong đó, dư nợ tín dụng trung, dài hạn (chiếm 55,2% tổng dư nợ) tăng 0,41% so với cuối tháng trước và tăng 12,77% so với cuối năm 2021; còn dư nợ tín dụng ngắn hạn (chiếm 44,8%) lần lượt tăng 0,39% và 8,91%.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, đánh giá mức tăng 11% chỉ trong 8 tháng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với các tháng trước đây thì tốc độ tăng trưởng tín dụng trong hai tháng qua đã thấp hơn nhiều.
Theo báo cáo trước đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 2 quí đầu năm đã tăng hơn 10%, tương ứng bình quân mỗi tháng tăng hơn 1,66%, trong khi hai tháng đầu của quí 3 bình quân tăng 0,5%.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng hạn chế cũng có thể thấy rõ qua con số giải ngân gói cho vay hỗ trợ 2% lãi suất trên địa bàn TPHCM, được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và địa phương đánh giá là “quá chậm”.
Theo báo cáo, gói cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn mới chỉ có 17 khách hàng tiếp cận được, với quy mô 276 tỉ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất đạt 480 triệu đồng, tập trung chủ yếu thực hiện trong tháng 8.
Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TPHCM chia sẻ trước đó, lý do dư nợ tăng chậm trong thời gian qua là vì các ngân hàng gần như đã chạm trần tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng sẽ phải “đong đếm” nhiều hơn và việc giải ngân phụ thuộc vào việc thu hồi nợ của ngân hàng.
Chờ cấp thêm hạn mức
Thông thường, nhu cầu vốn và tăng trưởng tín dụng thường tăng mạnh vào nửa cuối năm khi các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất. Tuy nhiên, bối cảnh năm 2022 đã khác khi nhu cầu vay vốn ngay từ đầu năm đã lên rất cao, được các nhà băng đánh giá là để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng của hệ thống ở mức 14% và có thể linh hoạt phù hợp hơn với nhu cầu thực tế. Các ngân hàng sẽ được xem xét cấp thêm “room” tuỳ từng trường hợp.
Tình trạng cạn room tín dụng không chỉ diễn ra ở TPHCM mà đang là thực trạng chung trên cả nước. Trước bối cảnh này, cuối tuần trước, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin về việc sẽ nới room tín dụng trong tuần này.
Công ty chứng khoán SSI ước tính sẽ có khoảng 457.000 tỉ đồng được phân bổ về cho các ngân hàng, với dự báo hạn mức bổ sung vào khoảng 3-5%, tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.
“Hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% sẽ thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh”, báo cáo đánh giá.
Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM, tín dụng trong 8 tháng đầu năm vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và là động lực tăng trưởng kinh tế.Trong đó, một số lĩnh vực, ngành kinh tế có tỷ trọng dư nợ cao trong tổng dư nợ tín dụng địa bàn bao gồm hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình (tỷ trọng 32,87%); công nghiệp chế biến, chế tạo (15,31%); bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (11,95%); xây dựng (6,9%).Bên cạnh đó, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã thực hiện cho vay 26.790 khách hàng, số tiền hơn 336.118 tỉ đồng, đạt trên 80% gói tín dụng được các tổ chức tín dụng trên địa bàn đăng ký từ đầu năm.