(KTSG Online) – Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng với đà phục hồi kinh tế như hiện nay, nhiều khả năng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 sẽ vượt mục tiêu tăng 6-6,5% như đã đề ra.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố, đã đưa ra nhận định như trên khi kết luận tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng của năm 2002, nhiệm vụ, giải pháp tháng 9-2022, vào chiều 30-8.
Ông cho biết, trong tháng 8, thành phố vẫn giữ được đà phục hồi và tăng trưởng, ghi nhận ở các mặt, các hoạt động từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giao lưu quốc tế.
Tính đến nay, thành phố đã thu ngân sách đạt trên 80% (mục tiêu đề ra là 386.500 tỉ đồng). Ông nhận định, với đà phục hồi kinh tế như hiện nay, nhiều khả năng GRDP của thành phố năm 2022 sẽ vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu tăng từ 6-6,5%).
Đánh giá tình hình 8 tháng đầu năm, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố tăng 14,8%, dự báo xu hướng quí 3 tốt hơn quí 2. Bán lẻ tăng 23,2% là rất cao, nhất là khối dịch vụ ăn uống, lưu trú. Thành phố cũng đã kiểm soát được CPI chỉ tăng 2,1%, thấp hơn cả nước là 2,58%. Điểm sáng là vốn đầu tư nước ngoài 2,71 tỉ đô la, cao nhất trong 5 năm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 33,4%.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, thu ngân sách của thành phố tăng rất cao chủ yếu từ nhà đất và dầu thô, còn thuế sản phẩm chỉ ở mức 3% cho thấy yếu tố chưa bền vững trong sản xuất của các đơn vị.
Thành phố đã ban hành kế hoạch thành lập tổ đầu tư công nhưng hiện nay tỷ lệ giải ngân thấp. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào chính quyền rất tốt nhưng khía cạnh thủ tục hành chính vẫn còn gặp khó khăn.
Cũng nêu khó khăn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Trần Hoàng Ngân nhận định tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, nhiều nước rơi vào suy thoái, tình hình lạm phát, giá dầu mấy ngày nay đột nhiên tăng… ảnh hưởng đến việc ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát. Lãi suất các nước đều có xu hướng tăng, gây quan ngại dòng vốn đầu tư dài hạn.
Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cũng cho rằng các yếu tố rủi ro từ nay đến cuối năm của trong nước cũng như thế giới như dịch bệnh, lạm phát, chuỗi cung ứng gặp khó khăn sẽ tác động đến thành phố. Điển hình là sản xuất công nghiệp chưa phục hồi nhanh, thậm chí có xu hướng đình trệ cũng bị ảnh hưởng bởi các tác động của thị trường thế giới.
Ngoài ra, giải ngân đầu tư công của thành phố mặc dù có chuyển biến trong tháng 8 nhưng nhìn chung là thấp (chỉ đạt 22,3% tổng kế hoạch vốn giao). Việc hỗ trợ doanh nghiệp từ các gói phục hồi, gói kích cầu thực hiện chưa đạt yêu cầu. Các hoạt động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất có xu hướng giảm như giá trị sản xuất, xuất khẩu.
Một vấn đề nữa, theo ông Mãi, là công tác phối hợp giữa các sở, ngành với quận, huyện còn nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ.
Trong tháng 9, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị tiếp tục quan tâm đến công tác phòng, chống dịch, tập trung tiêm vaccine phòng Covid-19, yêu cầu ngành giáo dục chỉ đạo sát sao hơn và chủ tịch quận, huyện tiếp tục có giải pháp để đẩy nhanh việc này.
Ngoài ra, triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính; công tác quy hoạch, đấu thầu; tập trung công tác giải ngân đầu tư công; phát triển thương mại dịch vụ, trọng tâm là bình ổn thị trường, tiếp tục thực hiện kích cầu và đặc biệt là phát triển du lịch.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) TPHCM tháng 8 năm 2022 tăng 1,95% so với cùng kỳ (tháng 8 năm 2021). Trong 10/11 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng là 9,57% do tác động giá xăng, dầu tăng cao.