TPHCM: Hàng ngàn vị trí việc làm cần người trong quí 1-2023

(KTSG Online) – Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM đưa ra hai phương án về nhu cầu cần nhân lực tại TPHCM. Cụ thể, thành phố sẽ cần khoảng 280.000 – 300.000 lao động hoặc từ 300.000 – 320.000 lao động tùy thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Riêng trong quí 1-2023, thành phố cần nhiều lao động cho khoảng 72.000 – 79.000 vị trí việc làm hoặc từ 79.000 – 87.000 vị trí.

Nhu cầu tuyển dụng lao động cho ngành công nghiệp trọng điểm ở TPHCM như cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin chiếm hơn 20% trong cơ cấu tuyển dụng. Ảnh: Quốc Hùng

Nhu cầu tuyển người lao động cho ngành dịch vụ chiếm hơn 57%

Theo Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, năm 2023, ngành dịch vụ sẽ có nhu cầu tuyển nhân sự nhiều nhất, chiếm tỉ trọng gần 57,7% tổng số nhu cầu tuyển dụng trong các ngành. Các lĩnh vực tiêu biểu cần tuyển người làm việc như thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính, viễn thông và thông tin truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học công nghệ; giáo dục – đào tạo; y tế.

Nhu cầu tuyển dụng lao động cho ngành công nghiệp trọng điểm ở TPHCM như cơ khí; điện tử – công nghệ thông tin; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống; hóa dược, nhựa, cao su… cũng chiếm tỷ trọng khoảng 20,3%.

Trước đó, theo thông tin từ TTXVN, năm 2022, thành phố có khoảng 1,9 triệu người làm việc tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, chiếm tỷ lệ 73,65% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp; lao động làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là hơn 556.000 người, chiếm 21,54% và hơn 124.000 người lao động làm việc tại doanh nghiệp nhà nước.

Khoảng 46% người lao động hy vọng mức lương trên 20 triệu đồng/tháng

Kết quả khảo sát gần 7.500 người lao động do Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM thực hiện về thị trường lao động TPHCM trước và sau Tết Quý Mão 2023 cho biết có khoảng 46% người tìm việc mong muốn mức lương trên 20 triệu đồng/tháng.

Số lao động mong nhận mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng chiếm 23% và 10% người tìm việc hy vọng mức lương là 5-10 triệu đồng/tháng. Mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng chủ yếu là những người tìm việc làm bán thời gian, làm theo giờ, nhân viên tại khu vui chơi, giải trí.

Báo cáo khảo sát này cho biết thêm, có gần 2.000 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên chưa đến 11% nhu cầu tuyển dụng có thể đáp ứng mức lương 20 triệu đồng/tháng cho người lao động. Trong khi đó, mức lương 5-10 triệu đồng/tháng chiếm đến gần 45% và hơn 4% số lượng công việc có lương dưới 5 triệu đồng/tháng.

Về điều kiện tuyển dụng, TTXVN cho biết thêm, các doanh nghiệp đang ưu tiên lao động đã qua đào tạo. Ví dụ năm 2022, tỷ lệ tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chiếm 85,7% tổng nhu cầu nhân lực. Đặc biệt, nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 20,19%; cao đẳng chiếm 19,55.

Một số ngành kinh tế có nhu cầu nhân lực cao như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; kinh doanh bất động sản. Nhiều người lao động tại thành phố có nhu cầu tìm việc nhiều ở các nhóm nghề như kinh doanh thương mại, hành chính văn phòng, kế toán, nhân sự, marketing…

Hơn 46% người tìm việc mong muốn mức lương trên 20 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và lao động

Tuy nhiên, cuối năm 2022, kết quả khảo sát nhanh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tại TPHCM và một số doanh nghiệp ở khu vực phía Nam cho biết, chỉ có 9% số lượng doanh nghiệp cho rằng đơn hàng trong năm nay sẽ tăng, 68% số doanh nghiệp đánh giá đơn hàng sẽ sụt giảm.

Trên cơ sở đó, TTXVN đưa tin, các ban, ngành liên quan cũng đề ra những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như đầu năm 2023, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động. Mới đây, tại cuộc họp về vấn đề kinh tế – xã hội trên địa bàn TPHCM tổ chức ngày 2-2, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, thành phố sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối cung – cầu lao động qua hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp cho khu vực Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.

Còn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ cùng các đơn vị liên quan tạo môi trường phục hồi và phát triển thị trường lao động, tái tạo, tạo mới nhiều việc làm cho công nhân; chuyển dịch cơ cấu, khai thác cơ hội việc làm trong các nhóm ngành, nghề mũi nhọn…

Các chính sách hỗ trợ lao động sẽ dần chuyển từ việc hỗ trợ tiền mặt không điều kiện sang có điều kiện cho người lao động thuộc các ngành bị tác động nhiều trong sản xuất, kinh doanh; mở rộng nhóm người được hưởng hỗ trợ, tập trung vào các hình thức làm việc mới như việc làm trực tuyến, ứng dụng công nghệ số…

Các cấp, đơn vị cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực bao gồm việc đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi đối với nhóm lao động chuyên môn kỹ thuật hiện có và đào tạo kỹ năng mới nhằm đáp ứng yêu cầu của kinh tế số.