(KTSG Online) – Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT) đang nghiên cứu đề án triển khai thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp tại một số tuyến đường có nhu cầu sử dụng cao, dự kiến quí 1-2023 sẽ trình đề án lên UBND thành phố.
Theo cơ quan này, việc có những làn đường dành riêng cho xe đạp là hết sức cần thiết, đặc biệt ở một thành phố lớn như TPHCM.
Theo Sở GTVT TPHCM, hiện nay, người dân có xu hướng sử dụng xe đạp khá nhiều. Ở hầu hết tuyến đường lớn như xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng và các tuyến đường trung tâm thành phố đều có nhiều người sử dụng xe đạp để đi làm, tập thể dục, thể thao.
Tuy nhiên, nhiều tuyến đường có số làn xe quá ít và không gian một phần đã dành cho xe máy, diện tích dành riêng cho xe đạp bị hạn chế nên một số người đi xe đạp đã chạy vào làn ô tô. Việc này đã ảnh hưởng đến việc đi lại của các loại xe khác và gây mất an toàn giao thông.
Sở GTVT đang tập trung nghiên cứu đề án triển khai thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp tại một số tuyến đường có nhu cầu sử dụng cao. Trong tháng 2 hoặc tháng 3-2023, nhiều cán bộ của sở sẽ tham gia tập huấn, trao đổi kinh nghiệm tại một số nước có quy hoạch làn xe đạp bài bản như Hà Lan, Đan Mạch. Sau đó, sở sẽ hoàn chỉnh đề án và trình lên UBND thành phố.
Trước đó, trong báo cáo trình UBND thành phố tháng 6-2022, Sở GTVT đề xuất chọn xa lộ Hà Nội mở làn thí điểm cho xe đạp bởi đây là trục giao thông chính từ thành phố Thủ Đức nối thông trung tâm TPHCM.
Đoạn dự kiến cho xe đạp là giữa phần đường chính và đường song hành đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến cầu Sài Gòn. Khu vực này thuộc dự án tăng cường mảng xanh dọc xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
Sở GTVT cũng tính toán nghiên cứu nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người bộ hành lưu thông từ đường song hành phải tới đường song hành trái xa lộ Hà Nội (tại vị trí trước tòa nhà Cantavil) với hệ thống cầu vượt bộ hành.
Tuy nhiên, lãnh đạo TPHCM cho rằng xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp là một đề án lớn cần có đánh giá tác động giao thông, ý kiến của các nhà khoa học để tính toán, thống kê lưu lượng xe máy, xe đạp; hành lang bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông; quy hoạch mở thêm làn từ quốc lộ đến các tuyến đường nhỏ, làn đường nhánh hỗn hợp như thế nào để người dân thuận tiện di chuyển…
Thêm vào đó là xem xét những vấn đề liên quan đến việc quy hoạch đường cho xe đạp ở nội khu, các khu vực với nhau; ở các tuyến đường nối thành phố… để đánh giá việc mở làn riêng dành cho loại xe này có đảm bảo an toàn hay không trong điều kiện lưu lượng của các loại xe như xe tải, ô tô… rất lớn như hiện nay.
Theo Cổng thông tin UBND TPHCM và TTXVN