(KTSG) – Lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) phát hành trong tám tháng đầu năm nay sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và cũng chỉ đạt tiến độ rất thấp so với kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh ngân sách thừa tiền, có lẽ Chính phủ không nhất thiết phải huy động vốn bằng mọi giá, còn phía nhà đầu tư thì đang lo ngại rủi ro lãi suất.
Sụt giảm mạnh
109.582 tỉ đồng là giá trị TPCP phát hành trong tám tháng đầu năm nay (bao gồm 5.000 tỉ đồng TPCP bảo lãnh), chỉ mới đạt vỏn vẹn 27,4% kế hoạch phát hành 400.000 tỉ đồng trong năm 2022 và giảm đến 48% so với giá trị phát hành của cùng kỳ tám tháng năm 2021. Tỷ lệ giá trị trúng thầu tám tháng đầu năm nay cũng chỉ đạt 44% giá trị gọi thầu, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 73% đạt được của cùng kỳ tám tháng năm 2021.
Xét theo kỳ hạn, lượng phát hành vẫn tập trung chủ yếu vào kỳ hạn 10 năm và 15 năm, tương ứng với giá trị 52.437 tỉ đồng và 41.255 tỉ đồng, lần lượt chiếm tỷ trọng 47,9% và 37,6%. Tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu ở hai kỳ hạn này đạt mức khiêm tốn là 56% và 48%, nếu so với kế hoạch thì chỉ đạt tương ứng 37% và 28%, còn so với cùng kỳ thì giảm mạnh 48% và 36%.
Giá trị đăng ký luôn vượt giá trị gọi thầu, nhưng tỷ lệ giá trị trúng thầu/gọi thầu thấp, cho thấy lợi suất phát hành chưa đáp ứng được lợi suất kỳ vọng của nhà đầu tư.
Đáng lưu ý là các kỳ hạn ngắn đạt tiến độ rất thấp, như kỳ hạn 5 năm chỉ mới đạt 1% kế hoạch trong khi kỳ hạn 7 năm chưa phát hành thành công được lượng trái phiếu nào trong tám phiên đấu thầu đã diễn ra. Ngược lại, các kỳ hạn dài có vẻ thu hút hơn dù tiến độ cũng khá thấp. Ngoại trừ kỳ hạn 10 năm và 15 năm đã nói ở trên, kỳ hạn 20 năm và 30 năm đạt tiến độ kế hoạch lần lượt là 8% và 25%, xét theo tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu thì lần lượt đạt 22% và 51%.
Việc thị trường TPCP trở nên kém hấp dẫn là xu hướng đã thấy rõ từ đầu năm đến nay, với tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu luôn duy trì ở mức khá thấp qua các tháng. Cụ thể, ngoại trừ tháng 1 đạt 78%, từ tháng 2 đến tháng 7 tỷ lệ này chưa bao giờ vượt quá 50%, còn tháng 8 vừa qua cũng chỉ đạt 55%, dù giá trị đăng ký luôn vượt giá trị gọi thầu, cho thấy lợi suất phát hành chưa đáp ứng được lợi suất kỳ vọng của nhà đầu tư.
Ngân sách thừa tiền và nhà đầu tư e ngại lãi suất
Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách đạt tiến độ khả quan bất chấp những ảnh hưởng của dịch bệnh, còn chi đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đạt tiến độ thấp, dường như ngân sách đang thừa tiền mà không tiêu được. Vì vậy, Chính phủ cũng không cần huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu bằng mọi giá.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng thu NSNN mới tám tháng đầu năm đã bằng 85,6% dự toán năm, ước đạt 1.208.200 tỉ đồng và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhờ giá dầu tăng mạnh, thu từ dầu thô đã đạt 181% dự toán và tăng đến 99% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đã đạt 99% dự toán và tăng 21,5% so với cùng kỳ. Ngược lại, tổng chi NSNN ước đạt 956.500 tỉ đồng, chỉ bằng 53,6% dự toán năm và chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, ngân sách đạt thặng dư 251.700 tỉ đồng trong tám tháng qua.
Đáng lưu ý là vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN cũng chỉ mới đạt 285.400 tỉ đồng, bằng 51% kế hoạch năm dù có tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công vẫn chưa thể đẩy nhanh như kỳ vọng, khiến ngân sách vẫn chưa thể giải ngân như mục tiêu đề ra. Thậm chí, một số bộ ngành gần đây còn đề nghị được trả lại, đơn cử như mới đây Bộ Y tế đã xin trả lại 800 tỉ đồng đầu tư công. Trước đó, số liệu công bố từ TPHCM cho thấy đến hết sáu tháng đầu năm nay, việc giải ngân vốn đầu tư công các dự án y tế của thành phố chỉ đạt 12%, chậm nhất trong vòng 10 năm qua.
Về phần các nhà đầu tư trên thị trường TPCP, chủ yếu vẫn là các ngân hàng và công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư. Trước xu hướng lãi suất đi lên trở lại trong thời gian qua, kênh đầu tư TPCP dường như không còn mấy hấp dẫn. Vì không phải huy động vốn bằng mọi giá, Chính phủ dù có tăng dần lợi suất phát hành nhưng mức tăng rất khiêm tốn. Đơn cử như ở kỳ hạn 10 năm, kỳ hạn thu hút các nhà đầu tư nhất, lợi suất trúng thầu trong tháng 8 vừa qua nằm ở mức từ 2,67-2,85%, tăng 0,4- 0,6% so với cuối năm ngoái và tăng 0,6-0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi suất phát hành TPCP hiện nay ở tất cả các kỳ hạn vẫn đang thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động vốn của các ngân hàng.
Thay vào đó, dường như các ngân hàng tiếp tục rót tiền đầu tư trái phiếu lẫn nhau để giúp cải thiện nguồn vốn trung và dài hạn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm từ 37% xuống còn 34% từ ngày 1-10 tới. Thống kê cho thấy trong tám tháng qua, các ngân hàng đã phát hành xấp xỉ 100.000 tỉ đồng trái phiếu, chủ yếu tập trung ở kỳ hạn 3 năm với tỷ trọng chiếm 57%.
Đặc biệt, như đã nói, trước xu hướng lãi suất vẫn còn có thể tiếp tục đi lên trong thời gian tới, hoạt động đầu tư vào TPCP ở mức lợi suất thấp như hiện nay sẽ đối mặt với rủi ro lãi suất. Việc các tổ chức không mấy mặn mà rót tiền vào các kỳ hạn ngắn mà chỉ quan tâm đến các kỳ hạn dài là minh chứng cho lo ngại lãi suất sẽ còn tiếp tục tăng trong ngắn hạn.
Dù vậy, nếu các dự án đầu tư công có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong thời gian còn lại của năm nay, Chính phủ có thể sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu để hoàn thành kế hoạch đặt ra trong năm nay. Nhưng để đảm bảo các phiên đấu thầu thành công, có lẽ phải chấp nhận tiếp tục tăng lợi suất phát hành để thu hút nhà đầu tư.