Triển lãm tranh Noel: Một ‘khúc nhạc Giáng sinh’ an lành, hòa ái

(KTSG) – 46 bức tranh sơn dầu của họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Tùng đến từ một xứ đạo ở Quảng Bình được trưng bày trong phòng tranh nhỏ ở quận Bình Thạnh (TPHCM) có thể xem như một khúc nhạc Giáng sinh an lành dành cho người yêu tranh Sài Gòn vào mùa đông năm nay.

Trên đồi vắng.

Lấy chủ đề Cậu bé giúp lễ, những bức sơn dầu khổ lớn của Nguyễn Văn Tùng vẽ lại miền ký ức trong trẻo và thánh thiện của mình một cách chân thành, nhẹ nhàng và đầy hòa ái.

Những cậu bé giúp lễ trong đời sống phụng vụ của người Công giáo, thực ra không phải là một đề tài mới. Như cuốn catalogue của triển lãm đã có một phụ lục khéo léo đưa người đọc trở về với “truyền thống nhà đạo” thể hiện qua hình ảnh những cậu bé giúp lễ trong các họa phẩm của Chaïm Soutine hay Pablo Picasso thời niên thiếu.

Nhưng ở đây, với Nguyễn Văn Tùng, họa sĩ của vùng gió lào cát trắng Quảng Bình, cái không gian sinh hoạt tâm linh có “màu sắc địa phương” là điều khiến cho những tác phẩm của anh gây ấn tượng đặc biệt. Càng đặc biệt hơn nếu đặt trong bối cảnh các chủ đề tôn giáo, vì nhiều lý do, bị xem là một khoanh vùng hẹp mà người vẽ lẫn người xem đều tự tạo ra những hạn chế trong sáng tạo lẫn thưởng ngoạn.

Dấu chân thánh đường.

Bằng phương pháp mỹ thuật biểu hiện, bằng việc chọn lựa bố cục không cầu kỳ, đạt tới cái tối giản để chớp bắt những ngưng đọng ký ức, Nguyễn Văn Tùng luôn tỏ ra mực thước và nghiêm cẩn trên mặt toan, dù kỹ thuật đệm lót nền màu còn tương đối mỏng.

Trong không gian tranh của anh, từ những ngôi giáo đường miền cát trắng hiện lên giữa phông xanh xám của ánh trăng đêm, những tháp chuông Gothic tạc vào vòm trời đỏ úa của buổi hoàng hôn đến những trăng sao hiện lên trong vũ trụ của con mắt đức tin…, tất cả đều được dệt bằng thế giới quan của một chú chiên lành đầy sốt sắng (các bức: Trên đồi vắng, Thánh đường xưa, Thánh lễ sớm hay Dấu chân thánh đường). Ở đó, hành trình đến với thánh đường trong đời sống đức tin gần như đã hợp nhất với cuộc kiếm tìm một ngôn ngữ, một phương thế biểu hiện về một thánh đường phổ quát của cái đẹp hồn nhiên mà người họa sĩ kiếm tìm.

Thiên thần san sẻ yêu thương

Mênh mông, lặng lẽ, đôi khi cô tịch, và ít nhiều có chỗ cho bóng tối của tĩnh tâm và chiêm ngắm, ngôi thánh đường mà cậu bé giúp lễ trong hồi ức có sự phó thác của niềm thành tín và của tinh thần lấy phục vụ làm lẽ sống để thiết lập tương giao hướng đến tha nhân.

Trong những bức tranh trung cảnh mô tả không gian nội thất nhà nguyện hay nhà xứ, Nguyễn Văn Tùng vẫn lấy nhân vật trung tâm là cậu bé giúp lễ trong bộ áo lễ hai màu trắng và đỏ, đen và trắng với những sinh hoạt trong đời sống thiêng liêng: một buổi xưng tội, căn phòng tĩnh tâm với tranh ảnh và tượng thánh quen thuộc, nghi thức xông trầm hương, giây phút ôm cuốn Kinh Thánh hoặc chú chiên non trên tay, hay phút thánh thiện trang nghiêm đọc sách Thánh (các bức: Nhìn về tương lai, Bóng hồng ngang qua, Trầm hương, Cầu nguyện, Đôi bạn…). Các hình thái khác nhau của đời sống thanh cao, sốt mến – những gì làm nên một nước thiên đàng trong tâm hồn trẻ thơ được anh đưa lên mặt tranh đầy cảm hứng thanh cao.

Vẻ đẹp nhẹ nhàng, trong trẻo đó quả thật đã truyền đến người xem thông điệp của bình an, chia sẻ khoảnh khắc được “nâng tâm hồn lên”.

Nguyễn Văn Tùng còn có những bức tranh trình bày về một thế giới siêu nghiệm, vốn là những trải nghiệm trong đời sống tâm linh, những cảm xúc thăng hoa trong tâm hồn. Vẫn bằng nhãn quan của cậu bé giúp lễ, người xem nhận thấy cây thánh giá trên bức tranh Chúa khổ nạn nối liền với cây thánh giá mà nhân vật đang ẵm bồng trên tay trong bức Chiên Thiên Chúa. (phải chăng đây là sự khởi đầu cho cảm thức “thập giá cuộc đời” mà con người sẽ cảm nghiệm rõ khi trưởng thành và từng trải trong gió bụi đời sống?). Đó còn là sự phóng chiếu niềm tin vào thực tại với hình ảnh Thiên thần bên cửa, Thiên thần ban ơn hoặc Thiên thần san sẻ yêu thương. Các bức tranh như bản hòa ca Giáng sinh: Đêm Noel, Đồng ca, Mừng Chúa giáng sinh… thay vì là những mô tả thực tại, Nguyễn Văn Tùng lại chọn cách biểu hiện cái siêu nghiệm từ nội tâm của một con chiên, nhờ đó, bằng vẻ đẹp của tranh đơn sắc, ta cảm nhận được sự giản dị mà dư đầy của niềm hân hoan, của sự lâng lâng cảm xúc. Mặt tranh như được thắp sáng bằng nguồn sáng của đời sống tâm linh, nơi cái thiêng đã trỗi vượt trên cái phàm.

Nhỏ nhẹ, khiêm cung, chân thành là những gì tốt lành mà các Cậu bé giúp lễ mang đến cho người thưởng lãm. Hành trình thiêng liêng của họa sĩ được nuôi lớn từ một di sản tinh thần mà anh may mắn kế thừa và cả một cuộc hành hương trong nghệ thuật mà anh đang dấn bước theo đuổi (nếu ta xem vẽ, sáng tạo cũng là một cuộc hành hương).

Từ những bức tranh của Nguyễn Văn Tùng, người xem nhận ra niềm vui khiêm nhượng, thuần khiết mà giàu có vẫn hiện diện trong thế giới đời sống mỹ thuật, đặt biệt là mỹ thuật trẻ. Suối nguồn tâm linh không chỉ đóng vai trò như một chất liệu, một chủ đề mà còn là một suy tư hợp nhất với hành trình sáng tạo.

Trước triễn lãm Cậu bé giúp lễ, Nguyễn Văn Tùng được xem là một tay cọ triển vọng của mỹ thuật miền Trung với các cuộc triển lãm nhóm và đặc biệt tạo dấu ấn trong triển lãm cá nhân Bến quê (2022) cùng những giải thưởng anh đã đạt được: giải nhất triển lãm tranh Đại học Mỹ thuật Huế (2012), Giải nhất triển lãm tranh trên cát tại Quảng Bình (2011)…

Dư vị mà loạt tranh Cậu bé giúp lễ mang lại cho người xem chính là một tinh thần lặng lẽ phục vụ và tận hiến. Liệu chúng ta có nhất thiết cần có một niềm tin tôn giáo để được hưởng điều đó? Không hẳn. Chỉ cần một tình yêu với đời sống, mỗi người đều có thể là những cậu bé giúp lễ đầy tận hiến và thầm lặng. Ở chiều kích này, tranh của Nguyễn Văn Tùng mang lại ý nghĩa tích cực, mở ra những không gian giao cảm mới trong một thế giới rộng lớn và đa diện đang chao đảo và khủng hoảng vì mất dần những tín niệm tốt lành.