Trong một thế giới đang thay đổi

(KTSG) – Chưa thể có câu trả lời rõ ràng về việc cuối cùng trật tự thế giới sẽ thành hình ra sao, nhưng sự dịch chuyển thực sự đang diễn ra.

Nguồn: foodtank.com

Tạm biệt toàn cầu hóa

“Cuộc chiến Nga – Ukraine là giọt nước tràn ly đánh dấu sự dịch chuyển từ trật tự thế giới cũ sang mới”, ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia kinh tế và chiến lược phát triển cho các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp nói tại tọa đàm Midnight Talks số 65 với chủ đề “Trật tự thế giới mới và tư duy chiến lược cho doanh nghiệp” ngày 26-11-2022.

Với sự lớn mạnh của Trung Quốc sau hơn 20 năm, thời kỳ trật tự thế giới do siêu cường Mỹ đơn phương quản trị sau khi Liên Xô sụp đổ đang lung lay. Nhiều năm quan sát và làm việc trong hệ thống chính trị Mỹ, ông Chương chỉ ra, sách lược của siêu cường này có sự thay đổi bắt đầu từ cuối thời Tổng thống Bush (cuối nhiệm kỳ năm 2009 – PV) và rõ nét dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Với vị thế hiện nay, cùng thị trường và ảnh hưởng kinh tế rộng lớn, vị trí an ninh quốc phòng vững vàng, nước Mỹ không còn muốn “lo chuyện bao đồng” nữa mà tập trung trong nước nhiều hơn.

Trong khi đó, Trung Quốc trong hơn 20 năm phát triển vượt bậc, đã trở thành một thế lực đối trọng trên bàn cờ địa chính trị thế giới. Chính mục tiêu để “hai bên đánh giá về những ưu tiên chiến lược của nhau” tại cuộc họp giữa hai ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc tại Alaska hồi tháng 3-2021 cho thấy thời điểm này Trung Quốc trở thành một “cực” ngang hàng với Mỹ.

Theo ông Chương, chính Tổng thống Nga Putin cũng nhìn thấy điều này – thế giới đang tách ra thành từng khối nhỏ hơn, ít nhất từ đơn cực sang lưỡng cực. Cuộc chiến với Ukraine để Nga tạo cho mình một vị thế ảnh hưởng và có thể là tấm vé để ngồi vào bàn thương thuyết trong tương lai.

“Cuộc chiến tại Ukraine đánh dấu sự biến mất của toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa cổ xúy cho một thế giới đại đồng, ai giỏi việc gì làm việc đó. Với toàn cầu hóa, vòng quay tiền nhanh hơn, giá rẻ hơn, thế giới giàu có hơn nhưng kỷ nguyên này đang dần biến mất khi thế giới tách thành từng khối nhỏ. Vấn đề đầu tư, dòng vốn, thương mại, logistics… cũng sẽ phức tạp hơn”, ông Chương nói. Chưa thể có câu trả lời rõ ràng về việc cuối cùng trật tự thế giới sẽ thành hình ra sao, nhưng sự dịch chuyển thực sự đang diễn ra.

Thay đổi tư duy chiến lược

Trong bối cảnh trật tự thế giới dịch chuyển, sự thay đổi của những đối trọng mới như Trung Quốc hay Nga cũng sẽ ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới, theo ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TPHCM. Nếu cuộc chiến Nga – Ukraine tác động tới lạm phát, chiến lược zero Covid của Trung Quốc tạo ra suy thoái khi tình trạng thiếu nguồn cung từ nước này khiến sản xuất đình trệ.

Ông Trần Sĩ Chương cho rằng đây là giai đoạn doanh nghiệp cần giữ cho mình tồn tại, ưu tiên dòng tiền thanh khoản, tránh “đột quỵ”. Đây là giai đoạn doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi để phù hợp hơn với một thế giới không còn “phẳng” như trước.

Đây còn là thời điểm các nền kinh tế bước vào chu kỳ khó khăn. Lạm phát và lãi suất tăng ở Mỹ kéo theo vấn đề về tỷ giá, lãi suất ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.

Ông Huân đánh giá các nước đang đứng trước thách thức đình đốn và lạm phát. So với những cuộc khủng hoảng trước, ở chu kỳ này, Việt Nam chịu tác động từ tình hình thế giới ngay lập tức thay vì có độ trễ.

Cuộc khủng hoảng năm 1997 không ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam do nền kinh tế còn khá đóng. Tới giai đoạn 2007-2009, hệ thống ngân hàng gặp vấn đề và mất nhiều năm để ổn định. Hiện nay, với độ mở 250% GDP, nền kinh tế nhỏ như Việt Nam sẽ chịu tác động tức thì. Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ tác động tới doanh nghiệp trong năm 2023-2024.

Tăng trưởng GDP quí 3-2022 hơn 13% là đỉnh của giai đoạn này, theo ông Huân. Vị chuyên gia cho rằng tăng trưởng GDP quí 4-2022 và quí 1-2023 sẽ giảm khoảng một nửa do ảnh hưởng của chính sách tiền tệ từ nay tới cuối năm.

Năm tới là một năm khó khăn. Cùng với những dịch chuyển địa chính trị, doanh nghiệp nên chuẩn bị cho một thời kỳ nhiều biến động. Toàn cầu hóa sẽ giảm, các hiệp định thương mại tự do có thể không còn hiệu lực. Kinh tế thế giới liệu có thể vực dậy vào năm 2024 hay chưa là điều còn bỏ ngỏ.

“Doanh nghiệp cần đánh giá lại các dự án khả thi, tránh dự án sinh lời quá thấp để chờ điều kiện kinh tế tốt hơn. Chiến lược của doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng xem xét không chỉ tình hình Việt Nam mà cả các biến động thời cuộc trên thế giới”, ông Huân nói.

Ông Trần Sĩ Chương cũng cho rằng đây là giai đoạn doanh nghiệp cần giữ cho mình tồn tại, ưu tiên dòng tiền thanh khoản, tránh “đột quỵ”. Đây là giai đoạn doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi để phù hợp hơn với một thế giới không còn “phẳng” như trước.

Bình tĩnh nhìn nhận, ông Chương chỉ ra, Việt Nam đang có lợi thế hiếm nước nào trên thế giới có được khi ở sát một thị trường lớn như Trung Quốc với cơ hội đầu tư rộng mở. Nước này cũng cần Việt Nam bởi vị trí chiến lược trên con đường mở ra biển của họ.

Cũng chính vì sát bên, việc Trung Quốc đóng cửa khi thi hành chính sách zero Covid mở ra cơ hội cho Việt Nam, thúc đẩy lựa chọn trong chiến lược Trung Quốc+1 của các nhà đầu tư. Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi nhà đầu tư muốn mở rộng sản xuất ra khỏi Trung Quốc, theo ông Huân.

Đây là một thời kỳ nhiều khó khăn nhưng nếu biết nắm bắt thì có thể là cơ hội đổi đời. Chiến lược ngoại giao cây tre với gốc cứng cáp vững vàng và các cành mềm dẻo là lợi thế với Việt Nam trong giai đoạn địa chính trị thế giới biến động, ông Chương đánh giá. Việc không cục bộ, làm bạn với tất cả các nước là một lợi thế rất lớn mà Việt Nam cần tận dụng tối đa.