Từ chuyện cái ly giấy đến cách làm ‘kinh tế xanh’ sao cho bền vững

(KTSG Online) – Tại sự kiện “Tuần Du lịch xanh Quảng Nam 2022” diễn ra vào tuần sau, sẽ có nhiều câu chuyện và thông điệp về kinh tế xanh và du lịch xanh được kể và lan tỏa, thậm chí từ những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ – ly giấy dùng một lần.

Những ly giấy dùng ngày càng nhiều tại các khách sạn. Ảnh: Nhân Tâm

Hiện nay, theo phong trào hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường, những chiếc ly giấy dùng một lần dần được thay thế tại khách sạn, nhà hàng, sự kiện, nơi công cộng hay các điểm bán thức uống.

Nhưng chiếc ly dùng một lần, cho dù là nhựa hay giấy, thường sẽ được bỏ đi và thành rác thải.

Ly giấy càng nhiều thì rác cũng càng nhiều. Ảnh: Nhân Tâm

Nhận thấy sự lãng phí khi ly chỉ dùng một lần và trở thành rác cộng với ý thức về việc bảo vệ một môi trường xanh và bền vững đã được “trui rèn” trong thời gian qua, những người làm việc tại một khu nghỉ dưỡng (resort) 5 sao tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam thời gian gần đây cùng nhau xây dựng và phát triển dự án mang tên Green Cups.

Họ lấy lại những chiếc ly giấy bỏ đi trong khách sạn, sau khi rửa sạch, được tái sử dụng để trồng cây xanh và rau, nhằm kéo dài vòng đời của ly và mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng. Rau xanh được phân phát miễn phí cho ai có nhu cầu.

Nhân viên tại Silk Sense Hoi An River Resort đã nghĩ ra cách trồng cây xanh trong những ly giấy sau khi sử dụng để kèo dài vòng đời của vật dụng này. Ảnh: Nhân Tâm

Không những thế, những chiếc ly với cây xanh còn là nguồn cảm hứng cho các em nhỏ tham gia tour tham quan và học hỏi về cách sống xanh tại resort này để tự tay tô điểm trang trí và mang về nhà chăm bón cho mầm xanh thành rau quả.

“Thông điệp mà chúng tôi muốn mang đến là: ly dùng một lần chưa phải là rác”, ông Trần Thái Do, Chủ tịch của Silk Sense Hoi An River Resort – nơi thực hiện dự án Green Cups, nói. Ông cho rằng việc này sẽ cần thời gian để mọi người tiếp nhận và cùng làm theo giống như vấn đề thay ống hút nhựa bằng ống hút giấy.

Những ly giấy cũng là vật để trẻ em tạo thành tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Nhân Tâm

Liên quan đến vấn đề thực hành xanh, ông Do, một doanh nhân tâm huyết với du lịch xanh tại Quảng Nam, cho hay bất kỳ cách làm nào, bao gồm việc kéo dài vòng đời của những chiếc ly giấy, cho dù khoác lên nhãn mác “xanh – bền vững” cũng cần phải đúng chất bền vững thì mới mang lại hiệu quả.

Cụ thể, theo vị doanh nhân này, các doanh nghiệp hay những người đang hay sắp làm kinh tế xanh, du lịch xanh cần hiểu tường tận về bền vững với 4 vấn đề, bao gồm hiệu quả về xã hội, hiệu quả về môi trường, hiệu quả về kinh tế và hiệu quả lâu dài.

“Giải pháp nào đạt được đủ bốn yếu tố đó thì mới là bền vững. Xanh (rác thải, trồng cây…) chỉ mới đáp ứng tiêu chí hiệu quả về môi trường”, ông Do phân tích. “Để làm ra (một cách thủ công) một sản phẩm tái chế, thì trước mắt có hiệu quả về môi trường, nhưng chưa hẳn là có lợi ích về kinh tế. Chất lượng sản phẩm của các công ty chắc chắn phải bảo đảm bền vững vì không dễ để lưu thông trên thị trường. Vì vậy điều tôi muốn nói là hãy để thời gian và công sức cho những gì thật sự bền vững”.

Những cách làm thật sự bền vững như tại cơ sở Silk Sense cũng sẽ được lan tỏa tại Tuần Du lịch xanh Quảng Nam 2022 diễn ra từ 19 đến 24-9 tại Đảo Ký Ức Hội An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Chương trình do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp với Ban tổ chức Năm du lịch quốc gia 2022 tổ chức cũng là một hoạt động trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022 – Điểm đến du lịch xanh nhằm thúc đẩy du lịch bền vững, phát triển cộng đồng và cụ thể hoá các hoạt động xúc tiến du lịch, giới thiệu các dịch vụ, sản phẩm xanh tại Quảng Nam đến với các đối tác trên toàn Việt Nam.

Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Tuần Du lịch xanh lần này hay rộng hơn là Năm du lịch quốc gia 2022 với thông điệp điểm đến du lịch xanh chính là cơ sở để các doanh nghiệp, chính quyền sở tại cũng như các bên liên quan hợp tác với nhau làm kinh tế xanh, du lịch xanh một cách bền vững và có hiệu quả thực tế.

Một tác phẩm làm từ các vật dụng nhựa tái chế sẽ được trưng bày tại Festival Nghệ thuật sắp đặt môi Trường biển tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nhân Tâm

“Tác động lớn nhất của những sự kiện này chính là định vị được thương hiệu du lịch xanh mà Quảng Nam đang tiên phong thực hiện. Tuy nhiên, nhận thức về du lịch xanh chưa đồng bộ nên cách làm vẫn chưa đồng bộ. Nguyên nhân khách quan là thị trường chưa thật sự phục hồi nên đa số doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng đồng hành”, ông Thanh chia sẻ.

Tuy nhiên, vị doanh nhân đang điều hành hệ thống du lịch Emic Hospitality cũng nhìn nhận rằng du lịch xanh là nền tảng, và xu hướng tăng trưởng xanh là xu hướng bắt buộc không những du lịch mà tất cả các ngành kinh tế cũng cần phải chuyển đổi.

Theo ông Thanh, điều quan trọng là cần có chính sách phù hợp để thúc đẩy. Doanh nghiệp cần phải tìm hiểu rõ điểm rơi của thị trường để chọn phương án đầu tư hợp lý. “Bản thân tôi xen phát triển xanh là giá trị cốt lõi tại doanh nghiệp của mình. Chúng tôi luôn kiên định phát triển trên nền tảng định hướng này”, ông Thanh nói.

Tuần Du lịch xanh Quảng Nam sẽ bao gồm các hoạt động chính như:Hội chợ Du lịch xanh là nơi trưng bày sản phẩm du lịch xanh, sản phẩm OCOP (mở cửa tự do) và diễn ra các hoạt động giới thiệu du lịch xanh Quảng Nam, sự kiện kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp vào ngày 21-12 tại Đảo Ký Ức Hội An. Trước đó, các doanh nghiệp đã có chuyến farm trip tại làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước và tại Hội An.Hoạt động Festival nghệ thuật sắp đặt môi trường biển (mở cửa tự do) được khai mạc lúc ngày 22-12 và mở cửa đến hết ngày 24-12, tại Làng chài Tân Thành, Hội An. Festival này bao gồm chuỗi các hoạt động triển lãm nghệ thuật sắp đặt từ rác nhựa, vải vụn, đồ tái chế; các hoạt động lễ hội vì môi trường biển như đổi rác nhựa lấy quà tặng, trao đổi đồ cũ, chiếu phim về môi trường, nghệ thuật trình diễn đường phố, chợ phiên và ẩm thực.Sự kiện hứa hẹn thu hút hơn 200 đại biểu đại diện đơn vị mua là các công ty lữ hành, các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm đến phát triển bền vững trên khắp cả nước; các đơn vị bán tại Quảng Nam bao gồm đại diện của các công ty lữ hành, các điểm đến, đơn vị lưu trú, nhà hàng, làng nghề, các công ty, hộ kinh doanh có sản phẩm OCOP, sản phẩm xanh, đặc trung của Quảng Nam cùng hàng ngàn khách hàng lẻ tới tham quan và mua bán trong sự kiện.