(KTSG Online) – Các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý có thể xem xét điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên khoảng 15-16% nếu kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Tại cuộc tọa đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững” sáng 24-8, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, nêu quan điểm về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn băn khoăn chuyện nới “room” tăng trưởng tín dụng do hai yếu tố là áp lực lạm phát và tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Về lạm phát, vị chuyên gia này cho rằng lạm phát tại Việt Nam gia tăng chủ yếu do chi phí đẩy – một loại lạm phát có chủ đích gây ra bởi sự gia tăng chi phí của hàng hóa hoặc dịch vụ quan trọng mà không có sẵn phương án thay thế thích hợp. Nếu các cơ quan quản lý có thể kiểm soát giá xăng, dầu và giá thịt heo thì có thể kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn – Chính sách Tiền tệ Quốc gia, cho biết lạm phát thế giới đi vào Việt Nam theo con đường nhập khẩu và dịch chuyển dần vào giá cả hàng tiêu dùng. Vì vậy, các cơ quan quản lý có thể dùng công cụ thuế để hạn chế lạm phát nhập khẩu, qua đó gia tăng dư địa để nới “room” tín dụng.
Với lạm phát nội tại, ông Nghĩa đánh giá rủi ro này không nhiều nếu không in thêm tiền và không phát hành tiền trong ngân sách chi tiêu.
“Nếu không chống được lạm phát do chi phí đẩy, không dám sử dụng biện pháp về thuế, tài khóa để chống lạm phát, giảm nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào thì không thể nới ‘room’ tín dụng”, ông Nghĩa nói.
Về thanh khoản, ông Lực cho biết thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện nay hoàn toàn trong khả năng kiểm soát với tỷ lệ cho vay so với vốn lưu động trong thị trường 1 là 92%, theo tính toán sơ bộ tính đến thời điểm hiện tại.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện là 25,2%, nằm trong ngưỡng cho phép của NHNN. Với ngưỡng cho phép của NHNN là 34% từ 1-10-2022 thì tỷ lệ này vẫn trong tầm kiểm soát.
“Dòng vốn trung và dài hạn chảy vào hệ thống các ngân hàng đang mạnh hơn đặc biệt là từ tháng 6, 7, 8. Tỷ trọng vốn ngắn hạn và trung dài hạn hiện nay đã khác không còn ở tỷ lệ 20-80% như trước đây mà đã cải thiện hơn rất nhiều” – ông Lực nói.
Cũng theo ông Lực, nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, hoạt động sản xuất – kinh doanh được đẩy mạnh nên doanh nghiệp rất cần vốn để hoạt động.
Với bối cảnh trên, vị chuyên gia này cho rằng NHNN sẽ yên tâm hơn khi xem xét nới “room” tín dụng trong tháng tới, thay vì chờ tới quý 4-2022.
“Nếu không khơi thông dòng vốn sớm sẽ khiến doanh nghiệp mất cơ hội, thậm chí tăng nợ đọng lẫn nhau. Điều này cực kỳ nguy hiểm và nợ xấu ngân hàng tăng lên”, ông Lực lưu ý.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng các ngân hàng này sẽ được cấp bổ sung room tín dụng trong giai đoạn đầu của quý 3-2022.
Các tiêu chí xét duyệt tín dụng của NHNN có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR – hệ số an toàn vốn), năng lực quản trị rủi ro thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9… mức độ hỗ trợ NHNN thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội như miễn giảm lãi suất và phí, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng…
Nhóm phân tích cho rằng các ngân hàng có hệ số an toàn vốn CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.
Với MB và Vietcombank, VCBS dự báo hai ngân hàng này sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn các ngân hàng khác nhờ nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém.
Còn TS Lê Xuân Nghĩa dự báo cơ quan quản lý có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên khoảng 15-16% nếu kiểm soát tốt chỉ tiêu lạm phát trong thời gian dài.
Về lĩnh vực bất động sản, TS Cấn Văn Lực cho biết đây là ngành kinh doanh hết sức quan trọng với nền kinh tế do liên quan tới ít nhất 35 ngành nghề. Ngoài ra, xây dựng và bất động sản đóng góp khoảng 9% GDP trong nửa đầu năm 2022.
Vì vậy, cần sớm có giải pháp khai thông dòng vốn cho thị trường bất động sản nhằm tránh gia tăng rủi ro mất cân đối cung cầu, tăng nợ đọng giữa các doanh nghiệp. Thậm chí phải giải cứu thị trường, tương tự diễn biến từng xảy ra tại Trung Quốc.
“Việt Nam đã có bài học tương tự khi chính sách siết chặt tín dụng năm 2011 khiến thị trường bất động sản đóng băng năm 2012 và phải giải cứu năm 2013”, ông Lực lưu ý.
Để thúc đẩy tài chính bất động sản, chuyên gia này cho rằng Chính phủ nên nghiêm túc suy nghĩ về định chế tài chính riêng để phát triển thị trường bất động sản, có thể ở hình thức Quỹ phát triển nhà ở hoặc một tổ chức ngân hàng tiết kiệm nhà ở giống mô hình Singapore.
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc, dài hạn cho thị trường này qua việc hoàn thiện, ban hành Nghị định 153 sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, cần có kế hoạch xếp hạng tín nhiệm làm cơ sở để các doanh nghiệp huy động nguồn vốn đầu tư trung – dài hạn.
Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings, cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên thực hiện xếp hạng tín nhiệm, sử dụng vốn huy động minh bạch và đúng mục đích để tạo lòng tin cho nhà đầu tư trái phiếu, bởi chất lượng trái phiếu tốt thì nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tự tìm đến.
Về cơ chế cấp tín dụng, NHNN sẽ giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng dựa vào kết quả xếp hạng và chấm điểm theo quy định tại Thông tư 52/2018 quy định xếp hạng tổ chức tín dụng. Các tiêu chí chấm điểm ngân hàng gồm: vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường. Việc phân bổ tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng cũng sẽ trên hai cơ sở. Thứ nhất, xếp hạng cao sẽ được giao “room” tốt hơn. Thứ hai, theo chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ. Cụ thể, việc cấp hạn mức tín dụng sẽ dựa trên tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí ngân hàng tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém…