Vẻ đẹp của sự lao động

(KTSG)- Tết đã đi qua nhưng trên phương tiện truyền thông còn quay cảnh lễ hội chùa chiền vẫn đông nghìn nghịt người chen nhau lễ bái. Trên mạng xã hội, người ta vẫn khoe nhận lì xì, cuối năm ăn tất niên thì đầu năm cũng vài ba bữa nhậu tân niên. Đâu đó người ta vẫn bảo nhau: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Lại có những người ngồi tính xem ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương; ngày Giải phóng miền Nam 30-4; ngày Quốc tế Lao động 1-5 sẽ được nghỉ tổng cộng bao nhiêu ngày? Họ còn tính rằng, nếu xin nghỉ phép thêm hai ngày thì được nghỉ một lèo chín ngày liên tục, có khác gì nghỉ Tết Nguyên đán.

Những người nông dân thường luôn tay luôn chân, rất hiếm khi để mình nhàn rỗi. Ảnh: Văn Thanh

Vẫn biết rằng những ngày nghỉ sẽ giúp người lao động có được khoảng thời gian quý giá để nghỉ ngơi, về quê, sum họp gia đình. Nhưng vừa tận hưởng một kỳ nghỉ dài xong, người ta lại muốn nghỉ tiếp thay vì sẵn sàng quay trở lại với công việc hàng ngày. Hãy nhìn những người nông dân đã ra đồng từ mùng 4 Tết. Họ cày bừa, cấy hái, tiếng cười nói rộn vang khắp cánh đồng. Hay vì họ không phải là những người làm công ăn lương nên luôn tận tụy và yêu công việc mình làm?

Tôi biết có những người thường rơi vào trạng thái “nôn nao” trước mỗi kỳ nghỉ, như tính xem sẽ ăn gì? chơi gì? đi những đâu? gặp gỡ những ai? Rồi họ lại bận bịu sắm sửa váy áo, chuẩn bị lịch trình, nhiều lúc lơ là với công việc đang làm. Sau lễ họ dành thời gian cho những hồi ức về kỳ nghỉ và chưa muốn quay lại với công việc thường ngày.

Chắc tại tôi sinh ra là con nhà nông, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Hoàn cảnh dạy cho tôi biết không có cách gì tốt hơn là yêu lấy công việc mình làm. Chỉ có vậy mới không thấy mình khổ cực, không than thở hay bi lụy mỗi ngày.

Những người nông dân thường luôn tay luôn chân, rất hiếm khi để mình nhàn rỗi. Họ tìm thấy niềm vui trong lao động trên những gánh lúa kĩu kịt nặng vai. Trên những cánh rừng cây cối biếc xanh. Trong khu vườn mùa nào thức nấy. Dưới tay họ đất không kịp nghỉ ngơi, mùa nối mùa, vụ gối vụ.

Có những năm hết hạn hán đến lũ lụt. Hết đợt dịch bệnh này đến đợt rớt giá khác. Trồng trọt, chăn nuôi gặp vô vàn khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao trong khí giá sản phẩm bán ra thì thấp. Thế nhưng người nông dân vẫn rất lạc quan. Vụ mùa này thất thu thì vun trồng hy vọng cho một mùa vụ mới. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào họ cũng lạc quan nhìn về phía trước. “Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”. Câu ca dao đó thấm vào nếp nghĩ của những người nông dân cần cù, chân chất.

Đâu đó vẫn có những câu chuyện kể về người già rời quê theo cháu con xuống phố. Nhiều người trong số họ đã không thể thích nghi được với cuộc sống thành phố nên quay trở lại quê. Không hẳn vì phố chật, phố đông, con cháu đi làm suốt ngày bỏ lại họ trong ngôi nhà cô quạnh. Những thứ đó không làm họ buồn chán bằng việc nhàn rỗi tay chân, chẳng có việc gì làm.

Mà cũng lạ lắm, con cháu thì cứ muốn cha mẹ nghỉ ngơi cho khỏe. Nhưng đâu biết đối với cha mẹ lao động là niềm vui, ngồi không càng thấy mình ốm yếu và trở nên vô dụng. Chỉ cần về mới mảnh vườn, thửa ruộng quê nhà, luôn tay luôn chân với vườn rau, ao cá là họ thấy khỏe khoắn trong người.

Cuộc đời lạ lắm. Cùng một môi trường sống có cây vươn cao tỏa bóng, cây lại thấp còi. Cùng làm trong một công ty nhưng có người mở miệng ra là phê phán, phàn nàn kể xấu sếp hay bạn bè đồng nghiệp. Lại có người nhìn đâu cũng thấy điều tích cực. Công ty gặp khó khăn, người đồng cảm, kẻ trách than.

Người hết mình dốc sức cho công việc, kẻ lúc nào cũng chỉ lo thua thiệt. Cho đi thứ gì thì nhận lại thứ đó, tôi luôn tin như vậy. Như người nông dân đổ xuống cánh đồng bao giọt mồ hôi thì sẽ được nhận về những bông lúa trĩu vàng…