(KTSG Online) – Ngày 28-11, Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM tại phiên họp giải trình với HĐND thành phố về quản lý hoạt động quảng cáo cho biết, trong 1.515 bảng quảng cáo ngoài trời tại TPHCM, có đến 49% điểm không phép, chủ yếu ở các vòng xoay, chân cầu vượt, tuyến đường lớn của các quận trung tâm…
Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Nguyễn Trọng Nam thông tin, các vi phạm quảng cáo nhiều năm qua phổ biến là chỉ viết tiếng nước ngoài trên biển hiệu; treo, dựng bảng quảng cáo không đúng nơi đã quy hoạch; không có giấy phép xây dựng bảng quảng cáo (với loại có diện tích trên 20m2, bằng khung kim loại); không đảm bảo an toàn cháy nổ, thoát hiểm, kết cấu…
Đặc biệt trong 747/1.515 bảng tấm lớn ngoài trời hiện đang quảng cáo bị thanh tra phát hiện đều không phép, nhiều trụ pano được địa phương, Sở Giao thông Vận tải cho phép cổ động chính trị, nhưng sau đó biến tướng sang…quảng cáo mà địa phương không biết. Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao cho biết.
Tại phiên giải trình, Trưởng ban Văn hoá Xã hội HĐND Cao Thanh Bình chất vấn, Luật Quảng cáo có hiệu lực từ năm 2012 nhưng đến nay TPHCM chưa phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời, khiến doanh nghiệp gặp khó trong quảng bá sản phẩm. Khảo sát của HĐND thành phố cho thấy, công tác hậu kiểm sau cấp phép chưa tốt nên có rất nhiều vi phạm. Nguyên nhân là trách nhiệm chồng chéo giữa sở ngành với địa phương…
Phó giám đốc Nguyễn Trọng Nam cho biết, từ năm 2014, Sở Văn hóa Thể thao đã làm đề án quy hoạch quảng cáo ngoài trời và trình vào 2017. Tuy nhiên, năm 2018 Luật Quy hoạch ra đời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn 30 lĩnh vực không thực hiện quy hoạch, trong đó có quảng cáo. Do đó, Sở ngưng và thanh lý đề án này. Đến năm 2020, do nhu cầu thực tiễn, UBND TPHCM chỉ đạo Sở lập lại đề án.
Ông Nam cũng nhìn nhận do quy định từng lĩnh vực chồng chéo nên có “độ vênh” trong phối hợp giữa sở ngành, địa phương. Dẫn chứng là Luật Quảng cáo và Luật Xây dựng hiện không cho phép dựng biển quảng cáo trong hành lang an toàn giao thông đường bộ song Luật Giao thông Đường bộ lại cho phép xây dựng tạm thời trong 6 tháng.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng giải thích thêm, Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định hoạt động quảng cáo ngoài trời là trách nhiệm của ngành văn hoá – thể thao, song hiện đa số màn hình LED đều kết nối internet, tức thuộc quản lý của ngành thông tin truyền thông.
Hiện thành phố có hơn 9.200 màn hình LCD quảng cáo, lắp đặt tại toà nhà chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Loại hình này tập trung nhiều nhất tại thành phố Thủ Đức (hơn 1.800), quận 1 (hơn 1.900), quận 7 (hơn 1.200)… Việc chồng lấn nhiệm vụ dẫn đến khoảng trống về trách nhiệm và chức năng quản lý đối với quảng cáo ngoài trời, 2 sở đã nhiều lần đề xuất nhưng hiện chưa có văn bản điều chỉnh. Ông Thắng nói.
Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cho rằng thực tế có vướng mắc về quy định trong quảng cáo do sự chồng chéo, khác biệt giữa quy định của luật và thông tư. Tuy nhiên, việc này là khách quan, không phải lý do để các cơ quan quản lý buông lỏng.
Theo ông Đức, thành phố đang hoàn thiện đề án quy hoạch quảng cáo, trong đó xác định rõ đặc thù của từng địa phương, loại hình và có phân công trách nhiệm cụ thể để quản lý. Đề án đặt mục tiêu năm 2025, ngành quảng cáo đóng góp 2,6% GRDP của TPHCM và đến 2030 là 3,2%.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ cũng lưu ý các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng đề án khai thác nguồn thu từ quảng cáo để tăng ngân sách và có phương án sử dụng nguồn này. TPHCM có thể đấu giá quyền thuê địa điểm quảng cáo ngoài trời tại khu đất công, đất giao thông để đảm bảo công khai, minh bạch, tạo công bằng giữa các doanh nghiệp.
Theo Cổng thông tin UBND TPHCM và TTXVN