(KTSG) – Trong khi lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm mạnh từ đầu tháng 4-2023 đến nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần thứ hai, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lại bất ngờ đi lên trở lại. Đâu là động lực phía sau xu hướng này?
Bất ngờ lãi suất trên thị trường liên ngân hàng
Ngày 28-3-2023, lãi suất vay mượn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ còn 0,98%/năm, đánh dấu lần đầu tiên rớt về dưới mốc 1% kể từ giữa tháng 7-2022. Đến ngày 30-3, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm về mức thấp nhất trong vòng hơn tám tháng qua ở 0,9%, trong khi các kỳ hạn một tuần và hai tuần cũng giảm mạnh xuống lần lượt là 1,56% và 2,26%.
Như vậy, trong vòng nửa cuối tháng 3, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã lao dốc rất mạnh.
Cụ thể, tại thời điểm 30-3 so với ngày 13-3, thời điểm trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giảm lãi suất điều hành, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã giảm đến 527 điểm cơ bản (bps), kỳ hạn một tuần và hai tuần giảm lần lượt 469 bps và 434 bps, trong khi kỳ hạn một tháng, ba tháng và sáu tháng giảm ít hơn – tương ứng là 295 bps, 84 bps và 99 bps.
Đến ngày 31-3, NHNN tiếp tục có động thái giảm lãi suất điều hành lần thứ hai chỉ trong vòng nửa tháng, hiệu lực áp dụng từ ngày 3-4. Tuy nhiên, điều bất ngờ là lần này lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lại có diễn biến ngược lại so với giai đoạn nửa cuối tháng 3, khi đột ngột đảo chiều và tăng nhanh trở lại kể từ đó đến nay.
Cụ thể, theo dữ liệu cập nhật gần nhất trên trang web của NHNN đến ngày 13-4, lãi suất qua đêm đã leo lên mức 5,49%, tức tăng 459 bps so với ngày 30-3; kỳ hạn một tuần là 5,47%, tăng 391 bps; kỳ hạn hai tuần là 5,31%, tăng 305 bps và kỳ hạn một tháng là 5,63%, tăng 139 bps. Như vậy, lãi suất qua đêm đã lấy lại mốc trên 5%, như giai đoạn nửa đầu tháng 3 trở về trước – lúc lãi suất điều hành chưa được điều chỉnh giảm.
Xu hướng này khá kỳ lạ, đặc biệt khi lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm kể từ đầu tháng 4 đến nay. Thống kê cho thấy chỉ trong nửa đầu tháng 4, lãi suất huy động bình quân niêm yết của các ngân hàng đã giảm thêm 0,47 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1-5 tháng; giảm 0,23 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6-12 tháng và giảm gần 0,3 điểm phần trăm ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.
Liệu điều này có phản ánh thanh khoản hệ thống đang trở nên căng thẳng hơn?
Thanh khoản hệ thống
Sau khi bơm ròng gần 4.400 tỉ đồng trong tuần đầu tháng 4 (diễn ra vào hai ngày cuối tuần), tuần vừa qua NHNN tiếp tục bơm ròng gần 65.795 tỉ đồng qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với lãi suất 5%. Trong đó, ngoài kỳ hạn 28 ngày, NHNN cũng triển khai thêm OMO 7 ngày để hỗ trợ thanh khoản hệ thống. Đồng thời, nhà điều hành cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu hút thanh khoản.
Lãi suất vay mượn tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng quá thấp có thể đã thúc đẩy hoạt động carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ) giữa tiền đồng và đô la Mỹ gia tăng mạnh. Theo đó, các ngân hàng có thể tăng cường vay tiền đồng với lãi suất thấp rồi chuyển sang đô la Mỹ để cho vay với lãi suất cao hơn trên thị trường liên ngân hàng, kéo theo cầu vay vốn tiền đồng tăng, mà rồi sau đó tất yếu sẽ kéo lãi suất của hai đồng tiền về lại điểm cân bằng.
Tính chung trong bảy phiên giao dịch từ ngày 6 đến ngày 14-4, NHNN đã cung ứng cho hệ thống ngân hàng gần 70.200 tỉ đồng. Cùng với quy mô, số lượng thành viên cần hỗ trợ cũng tăng dần cho thấy thanh khoản hệ thống thực tế đã không còn quá dồi dào như giai đoạn nửa cuối tháng 3.
Cần lưu ý là đợt điều chỉnh lãi suất điều hành lần thứ hai của NHNN ngoài việc giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất tái cấp vốn, thì trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng cũng được giảm 0,5 điểm phần trăm.
Theo đó, hầu hết các ngân hàng đã có thêm đợt giảm lãi suất mạnh mẽ từ đầu tháng 4 đến nay như đã nói, tập trung nhiều ở các kỳ hạn ngắn. Do đó, kênh tiền gửi ngân hàng đã không còn hấp dẫn như trước, kéo theo sự chuyển dịch dòng vốn dường như đang diễn ra và ảnh hưởng lên thanh khoản của hệ thống cũng như các hệ số an toàn thanh khoản của các ngân hàng.
Thực tế quan sát cũng cho thấy khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán đã liên tục gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Cụ thể, khối lượng giao dịch khớp lệnh tính riêng trên sàn HOSE bình quân trong nửa đầu tháng 4 đạt hơn 720 triệu cổ phiếu/ngày, tăng mạnh gần 44% so với giai đoạn nửa cuối tháng 3, bất chấp điểm số của VN-Index vẫn đang ở thế giằng co.
Ngoài ra, với việc Chính phủ khẩn trương thúc đẩy đầu tư công, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm để hỗ trợ tăng trưởng, sau khi chứng kiến GDP quí 1 suy giảm mạnh, dẫn đến có khả năng lượng tiền gửi có kỳ hạn ổn định của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng lớn cũng đang được rút ra để phục vụ giải ngân cho các dự án này. Với thanh khoản suy giảm tại các ngân hàng lớn – vốn được xem là những người cho vay chính trên thị trường liên ngân hàng, trong khi cầu vay vốn vẫn cao dẫn đến lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại là tất yếu.
Trong khi vốn đầu vào gặp thách thức hơn khi lãi suất giảm xuống, vốn đầu ra của hệ thống có thể đang gia tăng trở lại. Với việc các ngân hàng đã nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng từ giữa tháng 3, cùng với ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ khi thời điểm đầu năm thường có nhu cầu vay thấp đã qua đi, dường như các ngân hàng đã bắt đầu tăng tốc tín dụng ngay từ đầu quí 2 này. Ngoài ra, với xu hướng lãi suất huy động đã giảm đáng kể từ đầu năm đến nay kéo theo lãi suất cho vay được điều chỉnh về mức phù hợp hơn, có lẽ cũng thúc đẩy nhu cầu vay tăng trở lại.
Còn lý do nào khác?
Một điểm quan trọng khác là việc lãi suất vay mượn tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng quá thấp có thể thúc đẩy hoạt động carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ) giữa tiền đồng và đô la Mỹ gia tăng mạnh. Theo đó, các ngân hàng có thể tăng cường vay tiền đồng với lãi suất thấp rồi chuyển sang đô la Mỹ để cho vay với lãi suất cao hơn trên thị trường liên ngân hàng, kéo theo cầu vay vốn tiền đồng tăng, mà rồi sau đó tất yếu sẽ kéo lãi suất của hai đồng tiền về lại điểm cân bằng.
Cụ thể, lãi suất đô la Mỹ trong một năm qua đã tăng khá mạnh theo xu hướng tăng lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), với lãi suất vay mượn đô la Mỹ giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng duy trì từ 4-4,5%/năm kể từ đầu năm đến nay. Từ giữa tháng 3 trở về trước, lãi suất vay mượn tiền đồng giữa các ngân hàng luôn xấp xỉ hoặc cao hơn lãi suất đô la Mỹ, nhưng trong nửa cuối tháng 3 đã giảm rất mạnh như đã nói, khiến chênh lệch lãi suất tiền đồng – đô la Mỹ chuyển sang âm lớn.
Cụ thể, theo báo cáo diễn biến thị trường ngoại tệ và thị trường liên ngân hàng hàng tuần của NHNN, nếu như trong hai tuần đầu tiên của tháng 3, lãi suất bình quân vay qua đêm của tiền đồng vẫn cao hơn đô la Mỹ lần lượt là 1,7% và 0,44%, thì bước sang tuần thứ 3 của tháng chênh lệch này đã chuyển sang âm 2,72% và mức âm này tiếp tục tăng lên 3,6% trong tuần cuối tháng 3. Trong tuần đầu tiên của tháng 4, mức chênh lệch âm này đã thu hẹp xuống còn 1,19%. Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở các kỳ hạn ngắn một tuần và hai tuần.
Trong bối cảnh tỷ giá giữ ổn định, thậm chí tiền đồng còn có xu hướng tăng giá trở lại so với đô la Mỹ gần đây, hoạt động carry trade nói trên không chỉ mang lại lợi nhuận do chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ, mà các ngân hàng đã thực hiện chiến lược này còn hưởng lợi về tỷ giá.
Vì vậy, khi các ngân hàng nhận thấy lợi ích này và tăng cường thực hiện hoạt động trên, sẽ dẫn tới nhu cầu vay tiền đồng gia tăng và tất yếu sẽ kéo lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng tăng nhanh trở lại.