Vì sao nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay?

(KTSG) – Thị trường đang chứng kiến một làn sóng giảm lãi suất cho vay khá ồ ạt và có phần gấp gáp của các ngân hàng thương mại (NHTM). Đáng chú ý, việc giảm lãi suất này diễn ra trong bối cảnh hệ thống ngân hàng vừa trải qua một đợt thiếu hụt thanh khoản và những khó khăn cũng chưa hoàn toàn qua đi trong tháng cuối năm này.

Giảm lãi suất cho vay chính là một trong các tiêu chí để NHNN cân nhắc khi phân bổ thêm room tín dụng cho các ngân hàng trong đợt cuối năm. Ảnh: LÊ VŨ

Việc giảm lãi suất cho vay có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như các ngân hàng tiết giảm được chi phí hoạt động, muốn chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp hay cũng có thể xuất phát từ yếu tố cạnh tranh lẫn nhau.

Tuy nhiên, một nguyên nhân được nhắc đến nhiều hơn cả chính là các ngân hàng muốn có lợi thế hơn trong quá trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng, không chỉ trong tháng cuối cùng của năm 2022 mà còn cho cả năm 2023.

Bởi lẽ, theo thông tin từ NHNN trong đợt nới room tín dụng mới nhất thêm 1,5-2% cho toàn hệ thống trong năm 2022, công bố vào đầu tuần trước, thì giảm lãi suất cho vay chính là một trong các tiêu chí để NHNN cân nhắc khi phân bổ thêm room tín dụng cho các ngân hàng trong đợt cuối năm.

Trên cơ sở đó, nhiều ngân hàng đã và đang công bố nhiều chương trình giảm lãi suất cho vay hấp dẫn.

Chẳng hạn như ABBank ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh chỉ 5,5%/năm, dành riêng cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng tiền đồng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Chương trình có thời hạn đến 31-12-2023 với tổng hạn mức 350 tỉ đồng, áp dụng đối với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã…

Trước đó, vào tháng 6-2022, ngân hàng này đã rà soát kế hoạch tín dụng và đăng ký hạn mức tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Đến cuối tháng 11-2022, đã có gần 100 khoản vay được hỗ trợ lãi suất 2%/năm tại ABBank với tổng dư nợ tín dụng được hỗ trợ trên 200 tỉ đồng. Dư nợ tín dụng đến hết tháng 11-2022 của ABBank là 82.791 tỉ đồng, tăng 9,44% so với thời điểm 31-12-2021. Trong đó, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh chiếm 35,8% tổng dư nợ tín dụng.

Với việc lãi suất huy động đầu vào tăng, lãi suất cho vay đầu ra giảm, các ngân hàng nêu trên có thể sẽ phải chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận nhằm đáp ứng các tiêu chí để được NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.

SHB cũng cho biết, đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5-2%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên.

Theo đó, SHB ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh… Các doanh nghiệp đang cần vốn để gấp rút sản xuất các mặt hàng thiết yếu, các nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm của người dân cũng được ngân hàng triển khai hỗ trợ.

Tương tự, với ACB, khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp hiện đang có khoản vay và có giao dịch chính tại ngân hàng (bao gồm giao dịch tài khoản, thẻ tín dụng, thanh toán quốc tế và bảo lãnh) sẽ được giảm 1%/năm cho lãi vay.

Đối với khách hàng mới chọn ACB làm ngân hàng giao dịch chính trong hoạt động kinh doanh và đang có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh thời điểm cuối năm, ACB cũng chuẩn bị một hạn mức tín dụng 4.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi giảm 1%/năm để giải ngân cho các khoản vay phù hợp với yêu cầu và quy định của ngân hàng.

HDBank cũng dành 120 tỉ đồng để giảm lãi suất cho vay bằng tiền đồng cho hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Đối với khách hàng cá nhân, HDBank thực hiện giảm lãi suất cho khách hàng vay sản xuất kinh doanh và kinh tế nông nghiệp, nông thôn với mức giảm từ 0,5-3,5%/năm.

Còn với khách hàng doanh nghiệp, HDBank giảm lãi suất từ 0,5-2,5%/năm với khách hàng thuộc các lĩnh vực: xuất nhập khẩu; tại các khu chế xuất – khu công nghiệp; nông nghiệp; giao thông vận tải; khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ; nhỏ và vừa; công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; giáo dục – đào tạo; dịch vụ thông tin; lưu trú ăn uống.

Tại nhóm ngân hàng quốc doanh và gốc quốc doanh, Agribank cho biết sẽ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cuối năm 2022.

Cụ thể, đối với dư nợ phát sinh từ 1-12-2022 đến 31-12-2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.

Chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, năm 2022 Agribank đã chủ động triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng quy mô 160.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, một “ông lớn” khác là Vietcombank cũng quyết định giảm lãi suất tới 1%/năm đối với các khoản vay cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Thời gian triển khai từ 1-11 đến hết 31-12-2022. Đợt giảm lãi suất cho vay lần này là đợt giảm lãi suất quy mô dư nợ lớn nhất của Vietcombank.

Đáng chú ý, động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) nói trên diễn ra trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục gia tăng gần đây.

Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh, nâng mức lãi suất tiết kiệm trên ngưỡng 9,5%/năm ở nhiều kỳ hạn như NHTM cổ phần Sài Gòn (SCB), NHTM cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), NHTM cổ phần Kiên Long (Kienlongbank), NHTM cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB)…

Những ngân hàng có mức lãi suất cao nhất thị trường ở kỳ hạn sáu tháng có thể kể đến là: SCB, KienlongBank, NHTM cổ phần Quốc Dân (NCB)…

Với nhóm NHTM quốc doanh và gốc quốc doanh (Big 4), lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện thuộc về VietinBank với 8,2%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng, 18 tháng, 24 tháng; Vietcombank là 7,4%/năm, BIDV và Agribank là 7,9%/năm.

Với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất của nhóm Big 4 khá giống nhau, đều cao nhất là 7,4%/năm. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng tư nhân lớn và nhóm quốc doanh/gốc quốc doanh hiện vào khoảng 1-2%, tùy từng kỳ hạn và hình thức gửi.

Như vậy, với việc lãi suất huy động đầu vào tăng, lãi suất cho vay đầu ra giảm, các ngân hàng nêu trên có thể sẽ phải chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận nhằm đáp ứng các tiêu chí để được NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Dù động thái này vẫn chưa diễn ra trên quy mô toàn hệ thống nhưng dẫu sao nó cũng là một tin vui đối với các doanh nghiệp đang “mỏi mắt” tìm vốn hay đang phải chịu một mức lãi suất rất cao trong thời điểm này.