(KTSG Online) – Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN – EU ở thủ đô Brussels, Bỉ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu quan điểm hợp tác kinh tế của Việt Nam trong tiến trình phát triển bền vững.
Dẫn nguồn Chinhphu.vn, Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu với chủ đề “Tăng cường thương mại ASEAN – EU: Phát triển bền vững cho tất cả mọi người” tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN – EU.
Thủ tướng cho rằng, ASEAN và các đối tác chiếm gần một nửa dân số và 2/3 GDP toàn cầu, chúng ta cần đoàn kết, cùng suy nghĩ, đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác hiệu quả hơn giữa các nước, trong bối cảnh nhiều vấn đề mang tính toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc hay xử lý một mình.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, quan hệ thương mại giữa EU và ASEAN ngày càng phát triển toàn diện về quy mô, phạm vi và tính chất nên các nước phải hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý, tạo nền tảng, điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp EU và ASEAN tiếp tục phát huy năng lực, sáng tạo, trách nhiệm, kết nối mạnh mẽ hơn, phát huy các thành quả đã đạt được.
Thủ tướng đề nghị các nước EU tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp 2 khối trong quá trình hợp tác, bằng cách đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do, hiệp định bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, thông quan hàng hóa nhanh chóng.
Thủ tướng đề cập, doanh nghiệp phải có nguồn tài chính, công nghệ xanh, quản lý xanh, trong khi Nhà nước cần thiết lập thể chế phù hợp, hướng tới phát triển kinh tế xanh và bền vững. Các nước phát triển cần giúp đỡ các quốc gia đang phát triển về tài chính, nhân lực, công nghệ, quản trị và thể chế trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, còn nhiều dư địa để mở rộng hơn nữa hợp tác thương mại ASEAN – EU. Thủ tướng mong muốn cuộc gặp gỡ sẽ kích hoạt nhiều hoạt động kết nối cộng đồng doanh nghiệp 2 khối, tạo nền tảng cho tăng trưởng hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai bên theo định hướng mới, nhằm mục tiêu hài hòa lợi ích và phát triển bền vững, nhất là vào các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh thông tin, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng…, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, cho mỗi nước và các khu vực. .
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, luôn cởi mở chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư kinh doanh lâu dài và thành công tại Việt Nam. Việt Nam cam kết giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời ổn định chính sách lâu dài để các nhà đầu tư kinh doanh, bảo toàn vốn, có lãi và phát triển…
Tham dự cùng các nhà lãnh đạo các nền kinh tế khác trong phiên ăn trưa làm việc do Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trao đổi thương mại 2 chiều giữa ASEAN và EU gần đây đã có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng trở lại. Điều này cho thấy thúc đẩy hội nhập kinh tế trong các khu vực và giữa các khu vực với nhau vẫn là xu thế tất yếu, khách quan.
“Với cái nhìn đa chiều, điều này cho thấy bên cạnh những tác động tiêu cực từ tình hình, chúng ta cũng nhìn thấy những cơ hội, các bên càng áp lực càng nỗ lực và có động lực đổi mới sáng tạo, chuyển từ trạng thái hợp tác trước đây sang trạng thái hợp tác mới dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, thích ứng tình hình, phát triển kinh tế bảo đảm hài hòa, bền vững và toàn diện thời gian tới”, ông chia sẻ.
Thủ tướng cho biết, cùng với Singapore, Việt Nam là một trong 2 quốc gia ASEAN đã có hiệp định FTA với EU và sau hơn 2 năm thực hiện FTA này, bất chấp tác động của đại dịch, kim ngạch thương mại 2 chiều đã tăng lên tới 12%. Điều này chứng tỏ việc ký kết FTA, hỗ trợ lẫn nhau thúc đẩy giao thương cũng là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan.
Ông cho rằng còn nhiều dư địa để mở rộng hơn nữa hợp tác thương mại ASEAN – EU. Thủ tướng mong muốn cuộc gặp gỡ sẽ kích hoạt nhiều hoạt động kết nối cộng đồng doanh nghiệp 2 khối, tạo nền tảng cho tăng trưởng hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai bên theo định hướng mới, nhằm mục tiêu hài hòa lợi ích và phát triển bền vững, nhất là vào các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh thông tin, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng…, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, cho các nền kinh tế và các khu vực.