(KTSG) – Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tuần qua tiếp tục giao dịch ảm đạm khi áp lực bán chiếm ưu thế với 3/5 phiên đóng cửa trong sắc đỏ. Tính chung trong cả tuần trước, VN-Index giảm 21,8 điểm, tương đương 2,03%. Đà giảm tiếp tục diễn ra trong phiên đầu tuần này (13-2-2023) khi các chỉ số đồng loạt mất thêm hơn 1% giá trị, khiến VN-Index thủng vùng hỗ trợ quan trọng 1.050 điểm. Nhóm cổ phiếu bán lẻ, bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi VHM, VIC, MWG, MSN trở thành những mã tác động tiêu cực nhất đến thị trường. Những tin đồn xuất hiện trên thị trường trong phiên cuối tuần trước liên quan đến một công ty quản lý quỹ lớn cũng như những chính sách bán hàng mới của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (mã NVL) đã khiến tâm lý nhà đầu tư bất ổn trở lại, đặc biệt đối với các mã bất động sản. Không chỉ sụt giảm về điểm số, thanh khoản cũng đi xuống mạnh khi giá trị giao dịch trung bình trên cả ba sàn chỉ đạt 11.000 tỉ đồng/phiên.
Trong bối cảnh đó, đà mua ròng của khối ngoại vẫn đang là điểm sáng đối với thị trường. Tuy nhiên, giá trị mua ròng của khối ngoại trong tuần qua đã có sự sụt giảm đáng kể khi chỉ đạt 879 tỉ đồng.
Nhìn lại diễn biến thị trường kể từ tháng 11-2022 tới nay, dòng tiền vào thị trường xuất phát nhiều từ khối ngoại với quy mô mua ròng bình quân của khối này đạt từ 500-600 tỉ đồng/phiên. Với một lượng tiền lớn đã tham gia thị trường ở vùng giá thấp như trên, áp lực chốt lời từ nhà đầu tư nước ngoài nhiều khả năng sẽ dần có xu hướng tăng lên trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sự hồi phục của thị trường trong thời gian ngắn vừa qua cũng như kết quả kinh doanh quí 4 kém khả quan của các doanh nghiệp đã đưa mặt bằng định giá P/E (giá/lợi nhuận mỗi cổ phiếu) của TTCK Việt Nam tăng nhanh từ mức dưới 10 lần lên mức gần 12 lần – gần mốc trung bình trong một năm qua. Cần lưu ý là nếu bóc tách nhóm ngân hàng chiếm khoảng 30% vốn hóa thị trường thì mức P/E các nhóm còn lại không phải là quá hấp dẫn nếu so với trung bình lịch sử và so với mặt bằng lãi suất huy động hiện nay. Đây là những nguyên nhân có thể sẽ góp phần thúc đẩy dòng tiền đảo chiều trong ngắn hạn.
Trên thế giới, TTCK Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần trước (11-2) nhưng vẫn hoàn tất tuần trong xu hướng giảm điểm. Cụ thể, lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,5%, chỉ số S&P 500 tăng 0,2% trong khi chỉ số Nasdaq trượt 0,61%. Tính chung cho cả tuần trước, Dow Jones giảm 0,17%; S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 1,11% và 2,41%. Đây là tuần giảm mạnh nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ tháng 12-2022. Về cơ bản, nhà đầu tư tại Mỹ vẫn đang chịu tác động đan xen từ những thông tin sau đợt tăng lãi suất mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như các dữ liệu kinh tế và kết quả kinh doanh quí 4-2022 của các doanh nghiệp.
Về các thông tin trong nước, theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 36.040 tài khoản chứng khoán trong tháng đầu năm 2023. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 35.813 tài khoản và các tổ chức mở mới 227 tài khoản. Tính đến cuối tháng 1-2023, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt gần 6,9 triệu tài khoản, tương đương khoảng 6,9% dân số. Như vậy, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội trong tháng vừa qua chỉ tương đương khoảng một phần ba so với tháng trước đó và là mức thấp nhất trong vòng 26 tháng kể từ tháng 10-2020. Cần lưu ý rằng, tháng 1-2023 là khoảng thời gian kẹp giữa hai kỳ nghỉ dài là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Do đó, lượng tài khoản mở mới sụt giảm mạnh cũng không quá bất ngờ. Thực tế, sau khi bùng nổ trong giai đoạn cuối năm 2021 đến nửa đầu 2022, làn sóng nhà đầu tư mới tham gia vào chứng khoán đã hạ nhiệt rõ rệt. Lượng tài khoản mở mới liên tục giảm mạnh trong nửa sau của năm 2022. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn mở mới gần 2,6 triệu tài khoản chứng khoán. Đây là con số kỷ lục trong lịch sử và vượt qua tổng số tài khoản của sáu năm trong giai đoạn từ 2016-2021 cộng lại.
Về xu hướng thị trường, sau khi phá vỡ mốc hỗ trợ tại quanh vùng 1.050 điểm, VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm định lại các mốc hỗ trợ tiếp theo tại 1.030 điểm và kế đến là vùng tâm lý 1.000 điểm. Cũng không loại trừ khả năng thị trường sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục đan xen nhưng rủi ro vẫn đang hiện hữu với các giao dịch lướt sóng ngắn hạn. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư được khuyến nghị ưu tiên quản trị rủi ro danh mục và duy trì tỷ trọng tiền mặt ở mức an toàn, nhằm tận dụng cơ hội khi thị trường điều chỉnh về các vùng điểm sâu hơn.