(KTSG) – Sau đà tăng mạnh hơn 11% trong tuần trước đó, chỉ số VN-Index tuần qua có phần hụt hơi khi điều chỉnh giảm trở lại, cho thấy áp lực chốt lời lớn – đặc biệt ở xung quanh vùng 1.100 điểm. Cụ thể, chỉ số này giằng co trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau đó sụt giảm mạnh gần 45 điểm trong phiên ngày thứ Ba trước khi tiếp tục ở trạng thái thận trọng trong ba phiên tiếp theo.
Tính chung cho cả tuần, VN-Index giảm 28,2 điểm, tương đương 2,6%, xuống mức 1.051 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE giảm 5,2% so với tuần trước đó, xuống 86.890 tỉ đồng; tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 6,9%, xuống 5.098 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tiếp tục là điểm sáng khi họ mua ròng 4.335 tỉ đồng trên toàn thị trường trong cả năm phiên giao dịch, nhưng giá trị đã thu hẹp chỉ còn phân nửa so với tuần trước đó.
Trên thế giới, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ cũng trải qua tuần giao dịch không mấy khởi sắc. Tính chung cho cả tuần, chỉ số Dow Jones mất 2,8%, đánh dấu tuần điều chỉnh mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 9 năm nay. Tương tự, chỉ số S&P 500 cũng giảm 3,4% và Nasdaq Composite rớt 4%.
Dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 11 đã tăng 0,3% so với tháng liền trước, cao hơn mức dự báo của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters (0,2%). Diễn biến này đã làm gia tăng lo ngại về báo cáo lạm phát giá tiêu dùng (được công bố ngay trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ – Fed) cũng có thể gây bất ngờ khi có thể cao hơn dự báo.
Trong tuần này, ngoài cuộc họp của Fed, hiện các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Các nhà kinh tế kỳ vọng BoE sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm bất chấp nền kinh tế Anh đang rơi vào suy thoái.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ công bố các quyết định về lãi suất trong tuần này và thị trường đang đặt cược rằng, ECB cùng với Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, nhìn chung sẽ chỉ dừng ở mức 0,5 điểm phần trăm.
Về các tin tức vĩ mô trong nước, ngày 5-12-2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống. Mức tăng trên sẽ tương đương với 240.000 tỉ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Đến thời điểm hiện nay, tăng trưởng tín dụng đang ở mức khoảng 12,2%.
Ngoài việc nới room tín dụng, phiên giao dịch ngày 7-12 cũng ghi nhận diễn biến đáng chú ý trong hoạt động điều tiết thanh khoản hệ thống của NHNN. Theo đó, đi cùng với việc bơm 4.029 tỉ đồng cho bảy thành viên thông qua hoạt động cho vay cầm cố giấy tờ có giá kỳ hạn 14 ngày, nhà điều hành còn cho bốn thành viên khác vay gần 3.000 tỉ đồng với kỳ hạn 91 ngày.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm qua, NHNN sử dụng lại hợp đồng repo giấy tờ có giá với kỳ hạn lên tới ba tháng. Sự thay đổi này cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản có tính ổn định và dài hạn hơn của NHNN sau khi chỉ tiêu tín dụng chính thức được tăng thêm.
Trên thực tế, sự ổn định của thị trường tiền tệ gần đây có sự hỗ trợ rất lớn từ yếu tố tỷ giá. Theo đó, giá đô la Mỹ trong nước đã liên tục giảm sâu trong những ngày gần đây, hiện đã xuống dưới mức 24.000 đồng/đô la tại các ngân hàng. Chỉ trong hơn một tuần qua, giá đô la Mỹ tại các ngân hàng đã giảm khoảng 750-800 đồng, tương đương 3%. Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng giảm mạnh và tuột mốc 24.500 đồng/đô la.
Có thể thấy, giá đô la Mỹ trong nước đồng loạt lao dốc được cộng hưởng bởi hai yếu tố chính: sức mạnh của đồng bạc xanh suy yếu trên thị trường quốc tế sau những phát biểu gần đây mang tính ôn hòa về lộ trình tăng lãi suất của các quan chức Fed cũng như dòng tiền ngoại đang có xu hướng đổ vào thị trường tài chính Việt Nam trong một tháng trở lại đây.
Về xu hướng TTCK, VN-Index sau khi trải qua nhịp phục hồi mạnh từ đáy đang có những phiên chững lại để hấp thụ áp lực chốt lời cũng như đánh giá kỹ tác động của những thông tin mới gần đây như: room tín dụng được nới, một vài ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay nhưng cuộc đua lãi suất huy động vẫn đang âm thầm diễn ra ở không ít ngân hàng. Trên cơ sở đó, thị trường vẫn có khả năng kiểm định lại mốc 1.000 điểm trước khi có những tín hiệu cho một con sóng hồi phục “bền” và rõ nét vào đầu năm mới.