(KTSG Online) – Sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay đã không phản ánh vào giá cổ phiếu do những ảnh hưởng đến từ việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh và việc xử lý cải cách gần đây.
Trong báo cáo mới đây về kinh tế và thị trường chứng khoán 7 tháng đầu năm 2022, ông Michael Kokalari, Chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, đánh giá đã có sự phân hóa đáng kể giữa chỉ số VN-Index và tăng trưởng GDP.
Theo đó, tính đến ngày 2-8, VN-Index giảm 17% so với đầu năm, trong bối cảnh số liệu thống kê kinh tế cho thấy nền kinh tế trong tháng 7 vừa qua tiếp tục phát triển với nền tảng 6 tháng đầu năm đầy tích cực.
“Nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn tích cực hơn chúng tôi mong đợi vào đầu năm nhưng sức mạnh đó không được phản ánh vào giá cổ phiếu vì ảnh hưởng đến từ việc Fed tăng lãi suất mạnh và việc xử lý, cải cách gần đây ở Việt Nam”, ông Michael Kokalari lý giải.
Trước đó, hồi đầu tháng 7, dù nền kinh tế Việt Nam đang đối diện với thách thức về lạm phát và áp lực lãi suất tăng nhưng nhờ mức độ phục hồi nhanh trong quí 2 nên VinaCapital cùng một loạt các định chế tài chính, tổ chức quốc tế đã đồng thời nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng trong tháng 7, theo báo cáo của HOSE, thị trường có phục hồi nhẹ so với tháng 6 nếu xét về điểm số nhưng thanh khoản thì lại giảm.
Theo đó, giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 11.502 tỉ đồng và 492,90 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm 20,84% và 10% so với tháng 6. Tương tự, tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu cũng giảm 14,1% và tổng giá trị cũng giảm 24,4%.
Theo đại diện VinaCapital, lý do chính dẫn đến tâm lý ảm đạm gần đây của các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam là việc xử lý các hành vi bất hợp pháp của một số công ty bắt đầu vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, nhà phân tích này cũng lưu ý, tác động của vấn đề này đã giảm trong những tuần gần đây.
Không chỉ nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quí 3 và trong cả năm 2022, các tổ chức và định chế tài chính còn lạc quan về tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết.
Theo số liệu của Công ty chứng khoán VNDirect, tính đến hết ngày 29-7, đã có khoảng 778 công ty niêm yết, chiếm 55,9% giá trị vốn hóa toàn thị trường công bố mức lợi nhuận ròng trên cả ba sàn tăng 26% trong sáu tháng đầu năm. Đơn vị này cũng dự báo, trong năm nay mức tăng trưởng sẽ đạt con số khoảng 23% còn ước tính của VinaCapital là trên 20%, trong đó có nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ sự hồi phục kinh tế.
Do đó, theo ông Michael Kokalari, ngoài diễn biến đi ngược chiều giữa VN-Index và tăng trưởng GDP, thị trường chứng khoán cũng sẽ chứng kiến sự phân hóa đáng kể giữa giá cổ phiếu các công ty có mức tăng trưởng thu nhập cao vượt trội so với thị trường nói chung.
Đây cũng là cơ sở hỗ trợ cho đà phục hồi của VN-Index trong 5 tháng còn lại của năm 2022. Trong năm ngoái, thu nhập doanh nghiệp tăng 36% cũng được đánh giá là một yếu tố thúc đẩy giúp VN-Index tăng 37%, theo đại diện VinaCapital.