VN-Index giằng co tích lũy

(KTSG) – Tuần trước VN-Index đánh mất 39,9 điểm (tương đương 3,58%), xuống 1.077 điểm – một lần nữa tạm xa ngưỡng quan trọng 1.100 điểm. Áp lực chốt lời ngắn hạn khiến thị trường diễn biến kém sắc. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, MSN, VPB, VIC… đồng loạt giảm giá.

Trong bối cảnh đó, thanh khoản lại có dấu hiệu cải thiện so với giai đoạn cuối năm trước với giá trị giao dịch bình quân trên ba sàn trong tuần qua đạt khoảng 15.200 tỉ đồng/phiên.

Bất chấp phiên điều chỉnh mạnh, khối ngoại trong tuần sau Tết Nguyên đán tiếp tục mua ròng 1.860 tỉ đồng. Cụ thể, nếu chỉ xét trên kênh khớp lệnh thì nhà đầu tư ngoại mua ròng hơn 1.910 tỉ đồng, trong khi bán ròng nhẹ 50 tỉ đồng trên kênh thỏa thuận. Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, dòng tiền ngoại tiếp tục ghi nhận giá trị mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu thép HPG với giá trị lên gần 900 tỉ đồng, trong khi ở chiều ngược lại, cổ phiếu VNM bị bán ròng mạnh nhất, giá trị vượt 200 tỉ đồng.

Trên thị trường chứng khoán thế giới, thông tin thu hút nhiều sự chú ý nhất trong tuần qua là kết quả cuộc họp chính sách định kỳ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm sau cuộc họp lần này, đưa mức lãi suất chuẩn lên 4,5-4,75%/năm.

Cùng chung xu hướng, ECB và BoE tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. Các quyết định này hầu hết nằm trong kỳ vọng của giới đầu tư nên không gây ra nhiều xáo trộn trên thị trường tài chính. Tuy vậy, có một thông tin khác gây không ít bất ngờ

Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy các nhà tuyển dụng nước này đã tạo thêm 517.000 việc làm mới trong tháng 1-2023 (so với dự báo ban đầu chỉ là 185.000 việc làm), qua đó đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 3,4%. Tăng trưởng tiền lương cũng được điều chỉnh cao hơn trong tháng 11 và tháng 12-2022.

Những con số trên cho thấy động thái tăng lãi suất mạnh tay của Fed vào năm ngoái dường như vẫn chưa giúp thị trường lao động hạ nhiệt một cách đáng kể. Và điều này có thể sẽ gây ra những cuộc tranh luận gay gắt hơn về việc liệu Fed đã hành động đủ để kiềm chế lạm phát hay chưa.

Với thị trường tiền tệ trong nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quay trở lại trạng thái hút ròng thanh khoản trong phiên giao dịch cuối tuần qua (3-2). Cụ thể, cơ quan này đã mở lại hoạt động phát hành tín phiếu sau khi tạm ngưng từ ngày 19-1, qua đó hút về 15.000 tỉ đồng từ ba thành viên với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 5,79%/năm.

Trên kênh cầm cố giấy tờ có giá, NHNN cho hai ngân hàng vay mới 2.408 tỉ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 6%/năm. Như vậy, NHNN đã hút ròng 12.592 tỉ đồng trong phiên ngày 3-2. Trước đó, NHNN đã bơm thanh khoản trong năm phiên liên tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với tổng khối lượng cung ứng ròng đạt gần 70.800 tỉ đồng.

Trong năm 2023, một trong những mục tiêu quan trọng của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ là đảm bảo tính hấp dẫn trong việc nắm giữ tiền đồng, hạn chế dòng vốn chảy khỏi Việt Nam. Do vậy, việc điều tiết cung tiền đồng ở mức hợp lý (không để hiện tượng quá dư thừa) là điều rất quan trọng trong việc duy trì sự hấp dẫn của tiền đồng.

Ở một diễn biến khác, NHNN đã ban hành Thông tư 26/2022/TT-NHNN cho phép ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước khi tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) và có lộ trình giảm dần.

Đồng thời, NHNN vẫn giữ nguyên quy định về trần tỷ lệ LDR áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 85%. Giới phân tích đánh giá, Thông tư 26 sẽ có tác động tích cực lên thanh khoản hệ thống, khi khoảng 50% tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại (ước tính khoảng 150.000 tỉ đồng, dựa trên số liệu báo cáo tài chính quí 4-2022), sẽ có khả năng được tính vào phần dư địa cho vay của hệ thống.

Theo đó phần nào sẽ giảm áp lực lên lãi suất cho vay. Đặc biệt, Thông tư 26 sẽ mang lại lợi thế cho các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước, điển hình như Vietcombank, BIDV, VietinBank.

Về xu hướng của VN-Index, sau phiên giảm điểm mạnh bất ngờ trong tuần trước, chỉ số VN-Index đang quay lại xu hướng giằng co tích lũy quanh khu vực 1.070 điểm với thanh khoản dần thu hẹp, cho thấy tâm lý thận trọng có phần thắng thế.

Thị trường đang ở “vùng trống” các thông tin vĩ mô mang tính hỗ trợ trong khi ở chiều ngược lại, mùa báo cáo kết quả kinh doanh vẫn đang mang đến không ít lo ngại cho nhà đầu tư về triển vọng sắp tới của các doanh nghiệp.

Với bối cảnh đó, nhà đầu tư nên hạn chế các giao dịch mạo hiểm với tỷ trọng lớn, thay vào đó nên ưu tiên quản trị danh mục an toàn với việc nắm giữ một tỷ trọng vừa phải các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.