(KTSG Online) – Khả năng hấp thụ 400.000 tỉ đồng trong vài tuần tiếp theo là một câu hỏi lớn, dù hạn mức tín dụng tăng thêm tối đa 2% được đánh giá là thị trường “nắng hạn gặp mưa rào”. Theo đó, dù vốn không thiếu để cho vay nhưng khả năng hấp thụ, từ nội tại doanh nghiệp và cách thức gỡ các điểm nghẽn pháp lý hành chính sẽ là nhân tố quyết định.
Vốn nhiều nhưng lo giải ngân không kịp
Việc giải ngân vốn tín dụng đang được nhiều cấp quản lý thúc đẩy, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng hạn mức tín dụng thêm 1,5-2% trên toàn hệ thống. Thống đốc NHNN cũng đặt ra yêu cầu các tổ chức tín dụng cần cân đối nguồn vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên.
Theo số liệu cập nhật thì tính đến giữa tháng 12, tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 12%, nghĩa là còn khoảng 4% tăng trưởng tín dụng trong khoảng 2 tuần cuối năm 2022 và có thể kéo dài hết tháng 1 năm sau, tức thời điểm Tết Nguyên đán, tương ứng là khoảng gần 400.000 tỉ đồng.
Chia sẻ tại toạ đàm “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp” do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, ví von hạn mức tăng thêm này được ví như dòng nước từ “hồ nước tín dụng”, có thể sẽ chảy một phần qua ruộng để giải toả “hạn hán”.
Sau khi công bố nới room tín dụng, ông Trương Tiến Dũng, Phó chủ tịch thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết một số doanh nghiệp phản ánh đã được vay với lãi suất hợp lý hơn, để chuẩn bị cho hàng hoá vào kỳ nghỉ Tết sắp đến.
Tuy nhiên, dù có lợi thế là sản xuất hàng thiết yếu hằng ngày phục vụ tiêu dùng, ông Dũng cho biết tình hình chung là doanh nghiệp đang phải “phấn đấu” để sản xuất khi các hoạt động kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng sẽ tiếp cận được nguồn vốn từ phía ngân hàng. Chia sẻ tại toạ đàm trên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, đánh giá khả năng hấp thụ số tiền trên là rất khó khăn, nếu không muốn nói là “vô phương” trong vòng 3 tuần hoặc 7 tuần. Vị này cũng nhắc lại về việc triển khai thực tế của gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Trong khi đó, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng không cần quá quan ngại về hấp thụ hiện nay vì doanh nghiệp hiện đang rất cần vốn, đặc biệt là vào dịp cuối năm. Ngoài ra trong năm nay, doanh nghiệp đã phải “đội” thêm chi phí rất lớn trong khi các kênh huy động vốn khác thì lại gặp khó, có thể ước tính nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng thêm từ 7-14%.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết từ đầu năm đến nay, tín dụng ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn lớn nhất cho nền kinh tế, đóng góp lớn cho sự hồi phục sau đại dịch, nhưng nguồn vốn này vẫn chưa đủ.
Ông Quang cũng đánh giá khả năng hấp thụ con số tăng trưởng tín dụng 4% là rất thách thức, dù nhu cầu vốn trên thị trường là rất lớn.
Một lý do được đại diện NHNN dẫn lại, đó là thống kê thường niên trước đó cho thấy mức tăng trưởng tín dụng vào tháng 12 thường chỉ quanh con số 2-2,2%. Ngoài ra, doanh nghiệp muốn vay vốn cũng phải thoả điều kiện vì các tổ chức tín dụng không thể hạ chuẩn cho vay.
“Ngành ngân hàng khẳng định vốn tín dụng không thiếu, các ngân hàng cũng rất muốn cho vay vì họ cũng phải trả trả lãi tiền gửi cho khách hàng, càng đọng vốn càng tăng chi phí”, ông Quang nhấn mạnh.
Trong bối cảnh này, các ngân hàng thương mại đang ứng phó chiến lược mới khi room tín dụng được tăng thêm. Chia sẻ mới đây, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietinbank, cho biết ngân hàng trong đợt này được cấp thêm khoảng 20.000 tỉ đồng room tín dụng. Tính đến đầu tháng 12, VietinBank tăng trưởng tín dụng khoảng 10,7% so với đầu năm. Các lĩnh vực cho vay chủ yếu theo chỉ đạo của Chính phủ, tín dụng xanh và lĩnh vực thiết yếu.
“Hiện ngân hàng đã rà soát, thiết kế những sản phẩm phù hợp với chi phí lãi vay hợp lý đáp ứng vốn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. VietinBank cũng tập trung rà soát, tiết giảm chi phí tối đa để kiềm chế mức tăng lãi suất cho vay hiện nay”, ông Sơn cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Trí, thành viên Hội đồng thành viên của Ngân hàng Agribank, cho biết trong tháng 12, ngân hàng giảm 20% tổng số lãi phải trả cho khách hàng.
Đại diện Agribank còn cho biết ngân hàng có quan điểm thận trọng trong cuộc đua lãi suất huy động vừa qua. “Chúng tôi sẵn sàng dùng nguồn lực nội tại để góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp bớt khó khăn, vì doanh nghiệp có tồn tại thì ngân hàng mới phát triển”, ông Trí nói.
Hiệu ứng tâm lý tích cực cho thị trường
Nếu phân tích sâu hơn khó khăn của doanh nghiệp, thì vốn không hẳn là yếu tố cần thiết nhất, theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế. Vị này dẫn lại khảo sát của Tổng cục thống kê cho thấy khó khăn về vốn, lãi suất sẽ nằm ở thứ tự thứ tư, thứ năm, sau những khó khăn về chi phí đầu vào, đứt gãy chuỗi giá trị, khó khăn về đầu ra. Do đó, việc tháo gỡ khó khăn cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều phía.
Theo ông Lực, việc nới room là rất tích cực với nhóm bất động sản, đáp ứng cho những khoản nợ đến hạn phải thanh toán, người mua nhà phải giải ngân tiếp.
“Riêng với doanh nghiệp bất động sản, qua rà soát, chúng tôi thấy rằng khó khăn lớn nhất là pháp lý, còn vốn là câu chuyện khác”, ông Lực nói thêm.
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại không thể cho vay quá nhiều với bất động sản để đảo nợ, vì vậy nhóm này vẫn cần kênh dẫn vốn khác, đặc biệt là cần sớm tháo gỡ điểm nghẽn về trái phiếu doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, quyết định nới “room” tín dụng lên mức 15,5-16% cho toàn hệ thống của Ngân hàng Nhà nước không đủ để thấm vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên điều này sẽ mang đến hiệu ứng tích cực về mặt tâm lý đối với thị trường bất động sản. Nếu tổ xử lý điểm nghẽn của thị trường bất động sản tháo gỡ được những thủ tục hành chính của dự án bất động sản thì sẽ tạo thêm một kênh dẫn vốn nữa.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, nhận xét, với khoảng 1,5-2% tín dụng tăng thêm, số tiền được “bơm” vào nền kinh tế là khá lớn, lại tập trung trong thời điểm tháng cuối năm. Do vậy, việc nới room tín dụng sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
“Dù chỉ tiêu tín dụng tăng thêm là cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhưng vẫn có tác dụng mang lại tâm lý tích cực đến thị trường bất động sản. Tác động của việc nới “room” lên thị trường bất động sản có thể sẽ đến chậm hơn một nhịp khi cho vay sản xuất kinh doanh ổn định, thu nhập ổn định hơn, khi đó thanh khoản trên thị trường có thể tăng lên”, ông Quang phân tích.
Tuy nhiên dưới góc độ điều hành, nhiều chuyên gia cho rằng nới room tín dụng là hiệu ứng tích cực cho thị trường nhưng chỉ nên sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung – dài hạn theo lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Đó là lý do khiến các ngân hàng đang ưu tiên giải ngân các hợp đồng vay vốn còn tồn đọng từ trước. Với những hợp đồng vay vốn mới, đến nay vẫn phải chờ phía hội sở cấp thêm room tín dụng cho chi nhánh.
Liên quan đến một số lo ngại về dòng tiền có xu hướng chảy nhiều vào lĩnh vực bất động sản khi được nới room, chia sẻ bên lề với KTSG Online, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết trong thời gian tới cơ quan quản lý sẽ tăng cường công tác kiểm tra giám sát để hướng dòng vốn đúng địa chỉ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng sử dụng vốn hiệu và cuối cùng là tiếp tục thông tin truyền thông về dịch vụ ngân hàng. “Định hướng của NHNN khi điều chỉnh room tín dụng là để tập trung vốn cho những hoạt động sản xuất kinh doanh, những lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng kinh tế”, ông Lệnh nói.