(XUÂN KTSG) – Khủng hoảng khiến con người ích kỷ hơn hay tử tế với nhau hơn? Đây là câu hỏi khiến các nhà khoa học xã hội tranh cãi trong nhiều năm.
Một bên, những nhà duy lý tin rằng trong điều kiện tài nguyên khan hiếm, con người sẽ trở nên ích kỷ hơn, cố gắng giành giật quyền lợi cho mình. Mặt khác, những người theo chủ nghĩa nhân văn lại tin con người có xu hướng tử tế hơn, cùng hợp tác với người khác để vượt qua khó khăn.
Như những khủng hoảng khác trong quá khứ, đại dịch Covid-19 trong hai năm qua mang đến dữ liệu thực tế để chứng minh hai quan điểm trái ngược đó.
Câu trả lời dễ đoán là không có đáp án tuyệt đối nào. Trong khi đại dịch khơi gợi tinh thần tương thân tương ái ở nhiều nơi – từ những sẻ chia về vaccine, nhu yếu phẩm, cho đến hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch – cũng có nhiều hành vi lợi dụng khủng hoảng để trục lợi. Câu chuyện – vụ án Việt Á và chuyến bay giải cứu là hai ví dụ.
Một nghiên cứu gần đây ở Hàn Quốc(1) cho thấy bức tranh đa chiều: Covid-19 khiến người dân tin vào xã hội, chính quyền, và cộng đồng hơn, trong khi niềm tin vào hệ thống tư pháp, báo chí, và các tổ chức tôn giáo giảm xuống. Điều này phần nào liên quan đến bê bối của giáo phái Tân Thiên địa khi đại dịch mới khởi phát, và khả năng phản ứng nhanh nhạy của chính quyền Seoul thời gian sau đó.
Niềm tin trong xã hội không tự dưng sinh ra và tự dưng mất đi. Khủng hoảng thường chỉ khuếch đại những giá trị sẵn có. Vấn đề là làm sao nhìn nhận và đo đếm được “niềm tin”? Các nhà xã hội học phổ biến khái niệm “vốn xã hội” nhằm mục đích đó.
Hiểu một cách đơn giản, vốn xã hội gồm ba cấu phần: quy chuẩn đạo đức, giá trị xã hội, và mạng lưới kết nối xã hội. Những nơi quy chuẩn đạo đức được tôn trọng, người dân tin tưởng lẫn nhau, và có nhiều hiệp hội kết nối tự nguyện, thì ở đó có vốn xã hội cao.
Điều này là nền tảng để phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Nếu tôi tin anh, chúng ta sẽ không cần bất kỳ chi phí trung gian nào để đảm bảo hợp đồng được thực hiện. Nhà nước sẽ tốn ít chi phí an ninh hơn bởi phần lớn người dân đều tuân thủ pháp luật.
Robert Putnam, nhà xã hội học người Mỹ, từng chứng minh vai trò của vốn xã hội khi phân tích sự khác biệt giữa miền Bắc nước Ý giàu có và ổn định, so với miền Nam nghèo khó và hỗn loạn hơn. Các tổ chức mafia khét tiếng ra đời ở miền Nam, nơi có vốn xã hội thấp: bạo lực thay thế niềm tin để thiết lập trật tự xã hội.
Các cộng đồng thiếu niềm tin vào nhau và với chính quyền thường có vòng tròn xã hội thu hẹp, và có tính cục bộ địa phương cao hơn. Họ sẽ sống chết vì những người anh em thân thiết, nhưng đề cao cảnh giác với những kẻ bị coi là người ngoài. Đặc điểm này giúp tạo nên những cộng đồng nhỏ bền chặt, nhưng không thể liên kết với nhau thành một “cộng đồng tưởng tượng” rộng lớn hơn.
Điều gì quyết định mức độ vốn xã hội của mỗi cộng đồng?
Một số nghiên cứu xưa cũ cho rằng các cộng đồng đều có căn tính riêng: người Do Thái thông minh, người Nhật cẩn thận, người Pháp lãng mạn. Nhiều người có lẽ biết câu chuyện cười về cuộc thi xem ai gan dạ hơn, nơi hai người Việt trình diễn bằng cách cưa bom trên sân khấu. Liệu chăng có những dân tộc sinh ra đã có sẵn niềm tin cho nhau, và những người khác sinh ra đã biết gian dối?
Một số người cho rằng tình trạng xã hội đầy rẫy gian lận và đạo đức giả trong hai năm qua là do “dân tộc tính”. Những bài viết từ trăm năm trước về “tính xấu của người An Nam” do một số học giả người Pháp thời thuộc địa được đưa ra làm bằng chứng.
Tôi không tin vào căn tính gắn liền với từng dân tộc, nhưng tin rằng trải qua thời gian, mỗi một xã hội có thể hình thành nên những đặc trưng nhất định. Điều đó không phải do ông trời sắp đặt, mà định hình bởi thể chế.
Một xã hội được vận hành bởi hệ thống quản trị thượng tôn pháp luật, dân chủ, với sự tham gia chủ động của người dân, sẽ làm gia tăng vốn xã hội. Khi đó, nhà nước là điểm tựa cuối cùng cho cá nhân mỗi khi vấn đề không được giải quyết bằng niềm tin, thay vì một “bố già” nào đó trong phim xã hội đen.
Tôi có thể yên tâm ký kết với anh bởi tôi tin rằng nếu hợp đồng bị vi phạm, tòa án sẽ luôn đảm bảo công bằng cho tôi. Ngược lại, khi nhà nước không thể giữ trọng trách đó, người dân sẽ buộc phải tự xoay xở và lựa chọn những giải pháp thay thế.
Trong nhiều trường hợp, giải pháp đó có lợi trong ngắn hạn, nhưng có hại về dài hạn cho bản thân họ và cộng đồng. Đó có thể là vượt đèn đỏ khi không có cảnh sát giao thông, hối lộ để giấy tờ được xử lý nhanh gọn hơn, hay “chặt chém” khách du lịch vào mùa lễ hội.
Nhiều người cho rằng ở các nước phát triển những hiện tượng như thế không xảy ra vì người dân có ý thức tốt hơn. Theo tôi, điều này chỉ đúng một nửa. Ở New Zealand, nơi tôi từng sống gần bốn năm, thậm chí không có camera giám sát ở ngã tư, nhưng hầu như không bao giờ có xe vượt đèn đỏ. Bạn có thể đi sai luật và nhiều khả năng là không bị trừng phạt. Nhưng nếu không may bị cảnh sát phát hiện, hình phạt sẽ rất nặng.
Ý thức chỉ đến khi có hai yếu tố: sự nghiêm minh của pháp luật và niềm tin vào công lý của người dân. Nếu một trong hai yếu tố trên suy yếu, ngay cả một nhà nước quyền lực nhất cũng sẽ gặp khó khăn để đảm bảo mọi người đều chấp hành mệnh lệnh. Thực tế nhiều xã hội có an ninh tốt lại có lực lượng chấp pháp khá khiêm tốn.
Có hai điều về vốn xã hội tôi quan sát thấy ở nước ta hai năm sau đại dịch. Thứ nhất, tình trạng gian dối, lừa lọc trong nhiều lĩnh vực đời sống trong xã hội không phải là vô vọng. Như những xã hội khác, chúng ta không sinh ra với “căn tính” xấu.
Thứ hai, không có sự thay đổi nào diễn ra chóng vánh. Công cuộc chống tham nhũng có thể đưa nhiều “đại án” ra ánh sáng, nhưng đó chỉ mới là sự khởi đầu. Công lý trừng phạt cần đi kèm với việc tạo ra khuôn khổ để những hành động đó không thể lặp lại.
Quan trọng hơn, sự tử tế cần được tưởng thưởng. Ít ở nơi nào mà tính tin người và tốt bụng lại thường bị coi là điểm yếu. Lòng tốt có xu hướng đối ứng. Kể cả người ban ơn không yêu cầu lòng tốt của mình được đền đáp, sự tử tế chắc chắn sẽ lan rộng nếu việc tốt được ghi nhận thay vì bị trừng phạt.
Bởi vì, vốn xã hội thực chất là “của để dành” cho tương lai. Sau thảm họa Katrina ở Mỹ vào năm 2005, toàn bộ hệ thống ATM và ngân hàng bị hư hại, khiến khách hàng không thể dùng tiền để thanh toán cho nhu yếu phẩm trong nhiều tháng.
Nhân viên của Hancock Bank, một ngân hàng cộng đồng ở bang Mississipi, đã tìm những đồng tiền còn sót lại trong chi nhánh, rửa sạch, và cho phép khách hàng rút tiền mà không cần phải có giấy tờ định danh. Hơn 99,5% trong tổng số 42 triệu đô la Mỹ giải ngân theo cách này được khách hàng tự nguyện trả lại, và ngân hàng nhỏ này có thêm hơn 1,5 tỉ đô la tiền gửi sau thảm họa.
Vốn xã hội cũng có sức mạnh phi thường. Theo một nghiên cứu y khoa trên tờ Lancet(2), các nước chống dịch hiệu quả nhất trên thực tế lại không phải là những nước có hệ thống y tế tiên tiến nhất. Thay vào đó, niềm tin cộng đồng – trên cả bình diện quốc gia và địa phương – đóng vai trò quan trọng hơn trong việc ngăn chặn đà lây nhiễm của Covid-19. Vốn xã hội không chỉ giúp phát triển kinh tế, mà còn có thể cứu người.
Không có điều gì tốt mà lại đến một cách dễ dàng. Vốn xã hội được tích lũy dần từ một số ít người và khởi nguồn từ những điều tưởng như nhỏ nhặt. Mỗi một ngày làm một điều tử tế, có lẽ sẽ tới lúc chúng ta gom đựng đủ vốn xã hội cho một cộng đồng mình muốn thuộc về.
(1) Bongoh Kye and Sun-Jae Hwang (2020). Social trust in the midst of pandemic crisis: Implications from COVID-19 of South Korea
(2) Bollyky, T. J., Hulland, E. N., Barber, R. M., Collins, J. K., Kiernan, S., Moses, M., … & Dieleman, J. L. (2022). Pandemic preparedness and COVID-19: an exploratory analysis of infection and fatality rates, and contextual factors associated with preparedness in 177 countries, from Jan 1, 2020, to Sept 30, 2021. The Lancet, 399(10334), 1489-1512. https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(22)00172-6/fulltext