(KTSG) – Trong cùng một tuần, Vương quốc Anh cùng lúc có một nữ thủ tướng mới, mất đi một Nữ hoàng đã trị vì hơn 70 năm, cũng như đón một tân Vương đã 73 tuổi.
Thời khắc chuyển giao đầy thử thách
Các tờ báo và hãng tin lớn bao gồm Economist, Reuters, Guardian, đều chạy tít có đoạn “Kết thúc một kỷ nguyên”. Hầu hết các phân tích về kinh tế Anh mà tôi đọc được sau khi nữ hoàng mất đều không tránh khỏi dùng một ý nghĩa tương tự trong bài. Bởi vì, dường như ai cũng nhìn thấy được nước Anh đang đứng trước một thời khắc chuyển giao đầy thử thách.
Khủng hoảng năng lượng – mà báo chí đang dùng từ “nghèo đói do năng lượng” (fuel poverty); lạm phát dự báo gần 22% vào đầu năm 2023; bảng Anh mất giá hơn 15%, xuống mức thấp nhất từ năm 1985; thị trường trái phiếu giảm mạnh hơn 21% từ đầu năm; rủi ro bị hạ bậc tín nhiệm. Nước Anh bị Ấn Độ qua mặt, rơi xuống trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Đây chỉ là những phần nổi của tảng băng. Phần chìm của nó còn quan trọng hơn. Đó là tỷ lệ chi đầu tư phát triển thấp hơn trung bình của châu Âu trong cả thập kỷ vừa qua, năng suất lao động sụt giảm, tất yếu là tăng trưởng dưới tiềm năng, kết quả là nợ công tăng mạnh lên 2.300 tỉ bảng Anh, gần 100% GDP.
Tình hình tài khóa của Chính phủ Anh sẽ còn khó khăn hơn. Để đặt trần tăng giá năng lượng ở mức bình quân 2.500 bảng/hộ gia đình/năm, gói hỗ trợ phải chi ra ước tính khoảng 150 tỉ bảng Anh, và Chính phủ Anh sẽ phải đi vay từ thị trường vốn khoảng 90 tỉ bảng Anh để tài trợ cho mức áp giá trần này. Nôm na là sự thật thì chi phí năng lượng tăng thêm không biến mất, mà thay vì dân bỏ tiền ra trả với mức tăng hơn 3-6 lần tiền phải trả năm ngoái, thì bây giờ chính phủ trả thay dân một phần lớn mức tăng thêm này, và họ đi vay tiền để trả.
Nhiều người dân ở Anh, bất kể xuất thân, chủng tộc nào, vẫn đang làm như nữ hoàng Elizabeth II từng làm, khắc kỷ và phụng sự. Họ sẽ là những người góp phần giúp nước Anh vượt qua những khó khăn trước mắt.
Ngân hàng đầu tư Barclays ước tính tổng trái phiếu cần phải bán ra của Chính phủ Anh từ năm 2022 đến năm 2024 là 250 tỉ bảng Anh, tức là số nợ cần vay thêm của Anh trong hai năm tới cao hơn 10% GDP năm 2020 của Anh.
Thị trường trái phiếu hoàn toàn không có niềm tin về mức phát hành lớn như vậy. Stefan Koopman, chuyên gia phân tích cao cấp của Rabobank nói “Bà Truss có thể tin vào thị trường, nhưng thị trường thì không tin vào bà Truss”. Lợi suất trái phiếu dài hạn tăng gần 50%, từ trên 2% hồi đầu tháng 8 lên 3,1% khi mà gói hỗ trợ năng lượng của Anh được công bố.
Khủng hoảng? Không có khủng hoảng!
Tình hình thấy có vẻ xấu như vậy, nhưng khi nói chuyện với hầu hết những chuyên gia tài chính ở Anh mà tôi biết, không hề có một nỗi lo sợ nào về khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế hoặc đại loại như vậy. Bản thân tôi cũng không hề cảm thấy điều đó. So với những gì chúng tôi đã trả qua những năm 2007-2008, hầu như chúng tôi không nhận thấy một dấu hiệu nào như thời điểm đó, thậm chí những tín hiệu cảnh báo như năm 2006 cũng không.
Thị trường lao động vẫn ổn định, thất nghiệp thấp, lương tăng. Thị trường tài chính tuy có biến động xấu, nhưng mức tăng lợi suất trái phiếu và giảm điểm của thị trường cổ phiếu đều trong dự đoán và không tạo ra những nỗi lo về thanh khoản. Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu rủi ro cao và trái phiếu chính phủ ổn định một cách đáng ngạc nhiên. Các tín hiệu vỡ nợ như CDS, tỷ lệ vỡ nợ tiền vay mua nhà mà nhiều người đồn đoán không hề diễn ra. Thị trường nhà mặc dù xuất hiện một số tín hiệu nguội lại vào tháng 8, nhưng vẫn ổn định. Giá một số khu vực thậm chí vẫn tăng nhẹ mặc dù lãi suất đã tăng từ 1,5% lên trên 3,5% cho nhiều khoản vay mua nhà.
Đồng bảng Anh giảm tạo ra một tấm đệm hấp thụ nhiều cú sốc cho kinh tế Anh và khiến hàng hóa và dịch vụ ở Anh trở nên hấp dẫn với nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thuộc nhóm FTSE 100, nghĩa là 100 doanh nghiệp niêm yết lớn ở Anh, dự kiến sẽ hưởng lợi lớn từ đồng bảng yếu vì rất nhiều doanh nghiệp có hơn 50% doanh thu là từ nước ngoài, nên đồng bảng yếu sẽ khiến doanh thu và lợi nhuận từ nước ngoài sau khi quy về bảng Anh tăng lên.
Những chi tiêu công mà bà tân Thủ tướng Liz Truss hứa hẹn, tuy sẽ tạo gánh nặng lên nghĩa vụ trả nợ trong tương lai, nhưng phần nào giúp cho sức ép lên hộ gia đình và doanh nghiệp đỡ hơn. Kinh tế Anh nhiều khả năng sẽ hạ cánh cứng trong mấy quí tới và suy thoái là gần như không thể tránh khỏi. Nhưng không có nghĩa là quá trình suy thoái này sẽ kéo dài.
Ở một cách nào đó, các nhà kinh tế dự đoán những tháng tới đây sẽ rất khó khăn với nền kinh tế Anh, nói như bộ phim Games of Thrones là “mùa đông đang tới” (winter is coming). Nhưng nó không nhất thiết là một mùa đông kéo dài. Những dự báo về kinh tế Anh là kém lạc quan, nhưng nó không phải thảm họa. Ở kết cục của Games of Thrones, Dạ Đế (Night King) đã chết, dưới tay một người phụ nữ.
“Liệu Liz Truss có phải là Arya Stark của nước Anh?” Một người bạn tôi đùa như vậy qua cuộc nói chuyện trên Zoom. Tôi bật cười. Tôi biết bạn đùa tôi vì bạn biết tôi không có mấy niềm tin vào những hứa hẹn và chính sách đầy mạo hiểm của tân thủ tướng Anh. Nhưng tôi tin vào nước Anh vì những người vui tính, lạc quan và cực kỳ thông minh như bạn.
Lời kết
Quá trình chuyển giao của nước Anh trước sau gì cũng diễn ra. Sự ra đi của Nữ hoàng Anh đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên mà nước Anh còn là một đế quốc với diện tích rộng lớn, được ví von là “mặt trời không bao giờ lặn trên Vương quốc Anh”. Kỷ nguyên đó chấm dứt, nước Anh chuyển sang một giai đoạn mới với tư cách chỉ là một thế lực kinh tế, chính trị tầm trung ở Bắc Đại Tây Dương, nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, và đối mặt với nhiều thử thách trước mắt. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cũng tự nhiên như cách mà một người già 96 tuổi phải mất đi, dù là khó khăn như thế nào, nước Anh cũng phải bước tiếp như cách mà Nữ hoàng hay làm, im lặng, phụng sự và đi tới phía trước.
Những thế hệ hiện tại và tương lai của Anh sẽ tiếp tục giải quyết những vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội mà người Anh vẫn phải đối mặt. Chí ít, mỗi năm nhập cư ròng chính thức vào Anh vẫn ở mức vài chục ngàn người (con số phi chính thức dự kiến lớn hơn khá nhiều), nghĩa là nước Anh vẫn là một điểm đến thu hút nhập cư vì nhiều lý do.
Với một quốc gia đối mặt với nhiều thử thách từ Brexit, Covid-19 rồi cú sốc năng lượng, lạm phát, đây vẫn là một tín hiệu để lạc quan. Giống như trước khu vực gần trường tôi, một quán “fish & chip” truyền thống, một quán bar và một quán ăn Hy Lạp đóng cửa. Nhưng người ta đang xúm đông xúm đỏ mỗi ngày ở quán trà sữa mới mở kéo dài cả ra một góc đường và một vài quán Nhật, thậm chí một quán Việt Nam mới mở ở gần nhà tôi lại đông người đến.
Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, chỉ là không như cách một số người Anh hoài niệm về quá khứ. Như một email tôi nhận từ lãnh đạo Đại học Bristol cho năm học mới, “mọi thứ sẽ không như cũ nữa, nhưng chúng tôi lạc quan”. Nhiều người dân ở Anh, bất kể xuất thân, chủng tộc nào, vẫn đang làm như Nữ hoàng Elizabeth II từng làm, khắc kỷ và phụng sự. Họ sẽ là những người góp phần giúp nước Anh vượt qua những khó khăn trước mắt.
(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh