(KTSG) – Không ngờ “sốt” xăng dầu đã nhanh chóng lan đến Hà Nội.
Rối như canh hẹ
Ngay giữa nội đô Hà Nội mà người dân nơm nớp lo không mua được xăng. Người dân, có người thì hỉ hả dù chỉ được bơm lưng bình xăng vào lúc nửa đêm; có người vẫn thấp thỏm tự nhủ sớm mai ra xếp hàng bơm tiếp cho đầy bình. Chẳng còn ai quan tâm đến giá lên hay giá xuống, chỉ sợ nhất là bị hết xăng giữa đường chắc không đủ sức đẩy xe.
Trước đây, nhà xăng từng cam đoan không thiếu nguồn cung, rằng đã tự túc được phần lớn, còn các đối tác nhập khẩu thì đều là những đối tác liên quan các hiệp định thương mại nên sẽ đối xử công bằng, có đi có lại. Vậy mà nay ra nông nỗi này!
Khổ nỗi doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đang tính toán hễ càng nhập thì càng thiệt, các nhà máy càng tuôn ra nhiều xăng càng thiệt, các cây xăng bán lít nào lỗ lít nấy. Cội nguồn của vấn nạn này là bởi các loại chi phí, từ nhập khẩu đến doanh nghiệp đầu mối, từ nhà máy lọc hóa dầu tới nhà bán lẻ, đều mù mờ. Việc không minh bạch chi phí, không loại trừ do doanh nghiệp tung hỏa mù đánh lừa nhà quản lý, nên cứ hết thanh tra lại đến lập hội đồng phúc tra kết luận thanh tra. Chưa yên tâm, mới đây, Bộ Tài chính cùng Bộ Công Thương đòi các nơi báo cáo ngay chi phí kinh doanh xăng dầu, để kịp điều chỉnh giá bán trong kỳ gần nhất.
Ngoài tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, thì các doanh nghiệp phân phối xăng dầu còn buộc phải ký cam kết cung ứng đủ cho các cửa hàng. Nhưng thật ra, điều doanh nghiệp cần là khả năng duy trì “sự sống”, và điều người tiêu dùng cần là sự minh bạch trong kinh doanh của chuỗi cung ứng. Nhưng để thỏa mãn những mong mỏi chính đáng này thì lại phải xem lại các loại thuế, phí, ký quỹ…, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt áp cho mặt hàng tiêu dùng đại trà và thường nhật này. Vì thế, vấn đề sẽ không được giải quyết ngay tắp lự, trong khi xăng dầu thì không thể ngừng chảy một ngày, một giờ nào.
Xăng dầu thuộc danh mục hàng quốc gia dự trữ, sẵn sàng có sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường khi cần thiết, nhưng chỉ khi xảy ra rối rắm thì mới rõ chuyện Nhà nước “gửi” doanh nghiệp dự trữ hộ. Thế nên vừa qua, nhà quản lý phải “hạ cố” với các doanh nghiệp xả hàng dự trữ ứng cứu thị trường.
Trong lúc tình hình rối như canh hẹ, lẽ ra, các ban ngành phải tụ vào giải quyết, nhưng ngành giá cả lại muốn “kính chuyển” luôn cả thuế, phí cho ngành mua bán, nại lý do là để… quy trách nhiệm vào một mối.
Rồi còn tình trạng hối thúc cho xe chở bồn xăng chạy vun vút tới các cây xăng. Thực ra, các cây xăng không muốn bán hàng chứ họ đâu có thiếu xăng! Còn bồn xăng trên xe đang chạy thì như những quả bom di động, đâu thể cứ tốc hành lúc trời nắng gắt, hay cho bơm, đậu bên cạnh khối người đang “bao vây” các cây xăng.
Trả xăng dầu về thị trường
Thị trường thật ra rất công bằng. Nó không ưu ái ai, không khuất phục thế lực nào. Nó chỉ tuân thủ mệnh lệnh tối thượng và duy nhất là lợi nhuận, chịu chi phối bởi quan hệ cung – cầu. Doanh nghiệp nào cũng chạy theo ma lực của lợi nhuận, lãi thì lao vào, lỗ thì nghỉ cho khỏe.
Đã rằng từ bỏ bao cấp, chấp nhận thị trường thì hàng hóa phải trả về thị trường và đã có tấm gương của lúa gạo. Là hàng thiết yếu, gạo không thể xếp sau xăng dầu. Nhưng gạo đã được trả về cho “chợ”, nhờ vậy, đã làm cuộc lật ngược ngoạn mục từ chỗ phải móc hầu bao nhập khẩu bo bo sang thu bội tiền do vào “top 3” thế giới về xuất khẩu.
Trả xăng dầu về cho thị trường thì dù là ai, miễn tuân thủ pháp luật, đủ điều kiện tự mình hoặc liên doanh, đều có thể lập doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu: làm đầu mối nhập khẩu, hoặc xây bồn chứa, phân phối, chuyên chở hay bán lẻ… Từ các nguồn cung, phương thức phân phối, cho đến chi phí, giá cả… đều phải qua cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng. Nhà nước sẽ điều tiết bằng công cụ thu, và “quả chùy” dự trữ quốc gia phải do Nhà nước cầm chìa khóa kho.