Xây dựng khung năng lực nghề nghiệp và kỹ năng “nguyên tử”

(KTSG) – Sự dịch chuyển sang nền kinh tế tiêu dùng trong những năm gần đây làm cho yêu cầu đối với kỹ năng bán hàng nói riêng và kỹ năng làm việc của nhân viên ngày càng cao để có thể tối đa hóa nguồn thu từ các khách hàng đang có. Khi đó, câu hỏi về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trở thành vấn đề sống còn của các doanh nghiệp.

Chắc hẳn không ít người trong chúng ta đều đã trải nghiệm việc mua hàng tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ như điện thoại, điện máy… và nhận ra kỹ năng bán hàng của những nhân viên ở đây được đào tạo rất tốt, và họ cũng được đào tạo phải linh hoạt, nhạy bén với nhu cầu của khách hàng để có thể bán chéo nhiều sản phẩm và dịch vụ.

Câu chuyện ở những cửa hàng bán lẻ chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh của toàn ngành dịch vụ nói chung về vấn đề nâng cấp kỹ năng của người lao động. Việc tăng cường hoạt động đào tạo và huấn luyện trở thành chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp có thể tạo ra sự khác biệt từ đội ngũ nhân sự hiện có. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể triển khai các hoạt động huấn luyện nhân sự một cách hiệu quả, đặc biệt là trên quy mô lớn, để thực hiện định hướng nói trên. Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải xác định được khung năng lực và triển khai thành công việc phát triển khung năng lực của người lao động.

Xây dựng khung năng lực hiệu quả

Khung năng lực được định nghĩa là các yếu tố cấu thành nên năng lực triển khai công việc của một cá nhân ở một vị trí công việc, bao gồm sự kết hợp của ba yếu tố: năng lực kiến thức; năng lực kỹ năng và năng lực thái độ. Tuy nhiên, để xây dựng một khung năng lực hiệu quả cho doanh nghiệp là rất quan trọng, bởi vì tùy vào các vị trí công việc khác nhau của người lao động mà ba yếu tố kỹ năng này sẽ được kết hợp với nhau theo tỷ trọng khác nhau.

Bảng A. Các tiêu chí được chia nhỏ để đánh giá năng lực của cầu thủ bóng đá. Nguồn: Nguyễn Thanh Đề, Nguyễn Thanh Tuấn.

Trong hoạt động đào tạo, nếu ta quá tập trung vào yếu tố kiến thức sẽ khiến các nội dung đào tạo trở nên thiếu tính thực hành, ứng dụng. Tuy nhiên, khi xa rời các yếu tố kiến thức thì hoạt động đào tạo sẽ thiếu các yếu tố nền tảng để có thể duy trì sự phát triển bền vững. Còn nếu tập trung nhiều vào đào tạo phần thái độ thì người được đào tạo cuối cùng sẽ cảm thấy bị thiếu hụt các kỹ năng và công cụ làm việc cơ bản để có thể hoàn thành tốt công việc.

Trong quá trình đào tạo khung năng lực, yếu tố kỹ năng có một lợi thế hơn so với hai yếu tố còn lại nhờ có thể đo lường được. Các biến số về khả năng đo lường được này sẽ là một trong những cơ sở giúp chúng ta điều chỉnh và lập các kế hoạch đào tạo mới, trong đó sẽ cân bằng các yếu tố kỹ năng sao cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Nói cách khác, việc lựa chọn một triết lý đào tạo phù hợp đóng một vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công khung năng lực để chuẩn hóa năng lực của người lao động.

Khung năng lực của cầu thủ bóng đá

Ngành thể thao trên thế giới có trị giá khoảng 500 tỉ đô vào năm 2020 với một nửa con số này đến từ sự đóng góp của người hâm mộ. Trong đó, bóng đá đóng góp đến 43%, nên ngân sách đầu tư vào phát triển cầu thủ để thu hút thêm người hâm mộ là một trong những mục tiêu quan trọng của các đội tuyển bóng đá. Việc đưa ra các chỉ tiêu đo lường năng lực một cầu thủ gần như được khai thác đến mức cao nhất để phát huy năng lực của các cầu thủ.

Hình 1. Chỉ tiêu tấn công cao hơn phòng thủ mà vai trò của KAKÁ là tiền vệ tấn công trung tâm.

Có thể hình dung về khung năng lực qua ví dụ sau: một cầu thủ bóng đá có những yếu tố cấu thành về mặt kỹ năng cơ bản để cầu thủ đó có thể hoàn thành tốt vai trò của mình trên sân. Có sáu yếu tố cấu thành nên khung năng lực của một cầu thủ bao gồm tốc độ, chuyền bóng, sút bóng, phòng thủ, rê bóng và thể chất (xem Bảng A).

Việc thi đấu ở trên sân sẽ yêu cầu các cầu thủ sẽ phải có đầy đủ các kỹ năng nói trên. Tuy nhiên, mức độ yêu cầu của từng kỹ năng sẽ khác nhau ở theo vị trí công việc trên sân của mỗi cầu thủ. Các yếu tố cấu thành trong Bảng A có những chỉ tiêu nhỏ hơn để phản ánh các khía cạnh khác nhau của các yếu tố cấu thành. Chẳng hạn cầu thủ KAKÁ trong Hình 1 có vị trí là tiền vệ tấn công trung tâm sẽ có chỉ tiêu tấn công cao và phòng thủ thấp, nhưng vẫn được đánh giá cao vì vị trí này coi trọng yếu tố tấn công.

Khi đã chia nhỏ năng lực tác nghiệp của một cầu thủ bóng đá theo khung năng lực nói trên, việc kế tiếp là các nhà huấn luyện cần xây dựng các bài tập hành động để có thể cải thiện từng yếu tố. Ví dụ, để cải thiện thể chất của cầu thủ thì ban huấn luyện đưa cho các cầu thủ các bài tập liên quan đến thể lực. Nhưng trước tiên họ cần đo lường tình trạng trước và sau khi huấn luyện của cầu thủ. Còn nếu để cải thiện kỹ năng tăng tốc, nhanh nhẹn của các cầu thủ thì họ lại đưa các bài tập liên quan đến sự linh hoạt và sức mạnh của chân. Cũng trong Bảng A, các bài huấn luyện được đưa ra nhằm cải thiện các kỹ năng cần thiết và các đo lường mức độ thay đổi sau khi huấn luyện.

Trong các tiêu chí đánh giá năng lực được đưa ra thì khả năng đo lường một cách hiệu quả là yếu tố rất quan trọng. Khả năng chuyền bóng của một cầu thủ sẽ được đo lường bởi các thông số như tốc độ chuyền bóng, tỷ lệ chuyền bóng chính xác, tỷ lệ chuyền bóng chính xác trong khoảng 30 mét cuối của phần sân đối phương. Việc so sánh các các thông số này rõ ràng là một tiêu chí rất rõ ràng để phản ánh năng lực chuyên môn giữa các cầu thủ khác nhau. Dựa vào các định mức này thì các bài tập sẽ hướng đến việc cải thiện các yếu tố nói trên. Ngoài ra các thông số này cũng được cập nhật và đánh giá thông qua các bài test và các cột mốc để phân loại cầu thủ như cách phân loại thể lực của các cầu thủ bóng đá lứa 17-18 tuổi.

Ứng dụng xây dựng khung năng lực trong công việc

Từ ví dụ nói trên, có thể thấy một cầu thủ bóng đá giỏi không phải nhờ những kỹ năng thiên phú mà nhờ vào sự khổ luyện theo khung năng lực cấu thành của các yếu tố kỹ năng cơ bản nền tảng, hay có thể gọi là các kỹ năng “nguyên tử”. Giống như sự cấu thành cơ bản của vạn vật dù khác nhau như thế nào cũng chỉ được cấu thành của tổ hợp của các nguyên tố hóa học khác nhau. Dù ở các vị trí công việc khác nhau thì các kết quả của công việc đều đang được cấu thành bởi các kỹ năng cơ bản, từ kỹ năng đọc, viết, kỹ năng nói, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng trình bày, kỹ năng thuyết phục… như các nguyên tử khác nhau cùng phối hợp để cấu thành nên một loại vật chất bất kỳ. Chính những yếu tố kỹ năng này được kết hợp với các yếu tố chuyên môn của các lĩnh vực khác nhau sẽ có thể tạo ra các năng lực nghề nghiệp khác nhau.

Những kỹ năng hạt nhân là những kỹ năng hoàn toàn có thể được hình thành, vun đắp và phát triển với những tác động có chủ đích rõ ràng từ hoạt động đào tạo và huấn luyện. Nguyên lý này hoàn toàn có thể áp dụng cho tất cả các ngành nghề đang cần phát triển các năng lực của người lao động theo các mục tiêu xác định. Việc xây dựng một khung năng lực trên nền tảng việc chuẩn hóa các yếu tố trong quy trình công việc, tiêu chuẩn của từng bước công việc, các kỹ năng cần thiết để hoàn thành tốt những công việc nói trên là những yếu tố quan trọng. Khi đã hoàn thành xây dựng khung năng lực thì hoạt động đào tạo sẽ không chỉ xác định ra các định hướng chiến lược qua từng thời kỳ mà xác định rất rõ các năng lực nào sẽ được tập trung cải thiện và cải thiện như thế nào.

Những doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nhóm ngành dịch vụ, triển khai thành công việc xây dựng khung năng lực sẽ có thể tạo ra các lợi thế lớn so với các doanh nghiệp cùng ngành khác trong bối cảnh chuẩn hóa và chuyển đổi số hiện tại. Các hoạt động chuẩn hóa khung năng lực cũng là một yếu tố cấu thành quan trọng cho quá trình số hóa của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

(*) CFA

(**) HUB