(KTSG Online) – Lợi thế là lãi suất cao và chênh lệch lạm phát so với các đối tác thương mại chính là âm sẽ giúp Việt Nam có thêm dư địa để hạ mặt bằng lãi suất, cũng như kiểm soát tỷ giá trong năm 2023.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới đây tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp vào giữa tháng 12-2022 để phòng ngừa rủi ro lạm phát tiếp tục gia tăng thời gian tới. Trước đó, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines đều tăng lãi suất điều hành trong tháng 11.
Tại một hội nghị ở Washington, Mỹ vào trung tuần tháng 11, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cũng nhận định thách thức lớn nhất mà các ngân hàng trung ương phải đối mặt hiện nay là lạm phát.
Về vĩ mô, tổ chức này dự báo hơn một phần ba nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái trong năm nay hoặc năm sau, trong khi ba nền kinh tế lớn nhất – Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc – sẽ tiếp tục bị đình trệ.
Với bối cảnh trên, Fed dự kiến nâng lãi suất lên mức 5% để phòng ngừa rủi ro tốc độ tăng lương nhanh và lạm phát cao trong những ngành dịch vụ cần đến nhiều lao động. Động thái của Fed khiến ngân hàng trung ương các quốc gia, gồm Việt Nam, tiếp tục có những giải pháp vừa để chống lạm phát, vừa để phục hồi nền kinh tế.
KTSG Online đã có cuộc trò chuyện với TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, xung quanh vấn đề này.
KTSG Online: Biến động lãi suất và tỷ giá là những khó khăn lớn với nền kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp những tháng cuối năm 2022, nguyên nhân nào dẫn tới bối cảnh này, thưa ông?
– TS Trương Văn Phước: Trước hết, cần nhìn lại một cách khái quát kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2022. Có lẽ sau đại dịch Covid-19, phần lớn các quốc gia đều tin tưởng rằng các khó khăn sẽ từng bước được xử lý, chẳng hạn, sự đứt gãy chuỗi cung ứng có thể hàn gắn lại, các giải pháp để hoá giải các hệ luỵ từ các gói tài chính – tiền tệ hỗ trợ trong đại dịch sẽ phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2-2022 đã thay đổi cục diện thị trường thế giới. Cụ thể, các lệnh cấm vận của Mỹ và các quốc gia châu Âu với Nga, cùng sự đáp trả của Nga với các quốc gia phương Tây này về khí đốt đã tạo ra khủng hoảng năng lượng, làm trầm trọng hơn sự đứt gãy chuỗi cung ứng và khiến lạm phát bùng phát ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Với bối cảnh trên, sự phản ứng ở các quốc gia nổi bật lên là chính sách tiền tệ, qua việc tăng nhanh lãi suất. Điển hình là Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã dồn dập tăng lãi suất đô la Mỹ, đưa lãi suất cho vay ở Mỹ lên mức 4,5%.
Lãi suất đô la Mỹ tăng cao không chỉ khiến tỷ giá đô la Mỹ tăng mạnh, có lúc chỉ số USD Index tăng 15%, mà còn tạo ra chu chuyển đưa đồng đô la Mỹ quay trở về thị trường Mỹ. Điền này dẫn đến hệ quả là đồng tiền của các quốc gia trên thế giới đều mất giá mạnh, dù họ đều tăng lãi suất nhanh như Mỹ.
Với Việt Nam, có thể nói tỷ giá và lãi suất đồng Việt Nam là khá ổn định trong 9 tháng đầu năm 2022. Lý do có thể là lãi suất của đồng Việt Nam trong giai đoạn này là khá cao trong tương quan với các đồng tiền khác, nhất là đô la Mỹ.
Ngoài ra, trên cán cân thanh toán thì Việt Nam đang có các lợi thế cả trên cán cân vãng lai và cán cân vốn, giúp cân đối được các nguồn thu – chi ngoại hối.
Nhưng tới tháng 10-2022, giai đoạn Chính phủ xử lý các vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đã tạo ra các xung động về tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường. Mặt khác, trên thị trường thế giới, đồng đô la Mỹ trên đà tăng đến đỉnh điểm, đã khiến lãi suất và tỷ giá của đồng Việt Nam bắt đầu có biến động.
Để ứng phó và làm dịu bớt các biến động này, NHNN đã tăng lãi suất điều hành khoảng 2%, đồng thời mở rộng biên độ giao dịch của tỷ giá hối đoái từ (+/-) 3% lên (+/-) 5%.
KTSG Online: Đến nay, Việt Nam vẫn kiểm soát chỉ số lạm phát dưới 4%. Theo ông, đâu là yếu tố chính giúp chúng ta đạt được mục tiêu này?
– Kết quả kiểm soát lạm phát bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Trước hết là từ sản xuất và lưu thông hàng hoá.
Ngoài ra, phải nói rằng trụ đỡ chính cho nền kinh tế từ bấy lâu nay là nền sản xuất nông nghiệp. Trong khi các quốc gia trên thế giới chịu áp lực tăng giá nặng nề của lương thực, thực phẩm thì ở Việt Nam nông nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn đóng góp vào xuất khẩu khá lớn, nhờ đó hãm lại đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng.
Việc tổ chức lưu thông hàng hoá và có các chính sách làm mềm hoá giá năng lượng, cũng như có lộ trình linh hoạt cho các mặt hàng mà lâu nay Nhà nước quản lý, đã làm cho giá hàng hoá được kiểm soát hiệu quả. Một yếu tố khác không kém quan trọng, đó là việc hạn chế đối đa tình trạng nhập khẩu lạm phát thông qua tỷ giá hối đoái có mức mất giá của đồng Việt Nam chấp nhận được.
KTSG Online: Vậy lạm phát có còn là vấn đề đáng lo ngại với Việt Nam năm 2023?
– Vì là một nền kinh tế mở, có độ liên thông nhiều với nền kinh tế thế giới nên những biến động bên ngoài đều có ảnh hưởng và tác động khá lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Các dự báo cho rằng năm 2022 tăng trưởng thế giới khoảng 2,9%, trong khi lạm phát toàn cầu khoảng 9,5%. Với năm 2023, lạm phát dự kiến giảm xuống mức 5,5% nhưng tăng trưởng cũng giảm xuống mức 2,6%.
Ngoài ra, các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều có những dấu hiệu bắt đầu suy thoái. Nền kinh tế Trung Quốc cũng gặp phải những khó khăn do Covid-19.
Những yếu tố trên khiến tổng cầu của thế giới yếu đi trong năm 2023. Vì vậy, chính sách tiền tệ của các quốc gia bên cạnh mục tiêu kiểm soát lạm phát, cũng phải quan tâm hỗ trợ nhằm tránh nền kinh tế rơi vào suy thoái. Có thể nhìn thấy điều này qua biểu hiện tăng lãi suất sẽ ít hơn về tần suất, cũng như nhỏ hơn về quy mô.
Và cùng với các biến số vĩ mô khác như lạm phát đã đạt đỉnh và bắt đầu suy giảm, thất nghiệp bước đầu gia tăng… sẽ buộc các ngân hàng trung ương thay đổi mục tiêu trong chính sách tiền tệ là bắt đầu một chu kỳ mới giảm lãi suất.
Các yếu tố trên tạo thuận lợi cho Việt Nam trong nỗ lực kiểm soát lạm phát với các tác động từ bên ngoài. Với các nhân tố bên trong thì có thể phát huy các kinh nghiệm, lợi thế của thị trường nội địa và chính sách điều hành vừa qua. Đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của một thị trường tài chính.
Lúc này, chúng ta cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp để thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động thông suốt, tạo nguồn vốn trung – dài hạn cho nền kinh tế. Phấn đấu từng bước giảm lãi suất của đồng Việt Nam, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, phân bổ dòng vốn ngắn hạn và một phần nguồn vốn trung – dài hạn cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tỷ giá hối đoái cũng cần được điều hành trong xu hướng các đồng tiền trên thế giới ngừng mất giá và đang quay trở lại tăng giá.
Với những yếu tố đó, Việt Nam có nhiều khả năng kiểm soát lạm phát năm 2023 dưới mức 4,5% như Quốc hội đề ra.
KTSG Online: Nhiều nền kinh tế lớn đứng trước nguy cơ suy thoái trong năm 2023, điều này ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam?
– Như đã phân tích ở trên, trong năm 2023 tăng trưởng toàn cầu sẽ thấp xuống còn khoảng 2,6%, một số nền kinh tế lớn đứng trước rủi ro suy thoái, nhưng phần lớn các quốc gia còn lại vẫn có tăng trưởng dương. Điều này chắc chắn có ảnh hưởng tới Việt Nam.
Quy mô thương mại toàn cầu, theo dự báo của WTO, chỉ tăng trưởng khoảng 1% trong năm 2023, so với mức tăng 3,5% năm 2022. Như vậy, xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp phải những khó khăn trong tăng trưởng.
Xuất khẩu ròng là một cấu phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta đa dạng được thị trường và các mặt hàng xuất khẩu chủ lực thì mức tăng xuất khẩu 10% có thể đạt được, tuy có thể thấp hơn mức tăng 14% năm 2022.
Đáng lưu ý, đầu tư công của Việt Nam trong năm 2023 sẽ tăng mạnh với tổng vốn trên 700.000 tỉ đồng – tăng 25% so với kế hoạch năm 2022, sẽ là một động lực cho tăng trưởng.
Việc ổn định thị trường tài chính và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư cả trực tiếp lẫn gián tiếp từ nước ngoài. Do đó, tôi cho rằng có rất nhiều triển vọng để tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 đạt mức 6,5%.
KTSG Online: Đâu là những nhân tố căn bản xác định đường đi nước bước của lãi suất và tỷ giá đồng Việt Nam năm 2023?
– Lãi suất bao giờ cũng gắn với lạm phát. Bức tranh chung mà ta có thể nhìn thấy của đa số các quốc gia trên thế giới năm 2022 là lạm phát cao hơn lãi suất. Chênh lệch giữa lãi suất trừ (-) lạm phát gọi là lãi suất thực. Lãi suất thực của đồng tiền của các quốc gia phổ biến là âm.
Với Việt Nam, lãi suất thực của đồng Việt Nam là tương đối lớn. Đây có thể xem là một lợi thế trong kiểm soát lạm phát. Nhưng ở góc nhìn khác, lãi suất thực mà dương cao quá sẽ bất lợi cho nền kinh tế về lâu dài.
Hiện NHNN đang sử dụng các giải pháp để lãi suất thực thấp xuống. Theo tôi, đây là định hướng đúng vì bối cảnh chung là lạm phát thế giới đã đạt đỉnh. Chính sách tiền tệ các quốc gia cũng đang chuẩn bị, có thể vài ba quí nữa, cho một chu kỳ đảo ngược, đó là lãi suất thấp xuống.
Về tỷ giá, đồng Việt Nam có lợi thế là lãi suất cao và chênh lệch lạm phát so với các đối tác thương mại chính là âm. Điều này tự thân nó như là một tố chất “kháng thể” cho sự mất giá của đồng Việt Nam.
Tất nhiên, trong một thế giới đầy biến động thì đồng đô la Mỹ vẫn có một sức hút nhiều khi bất chấp lãi suất và lạm phát như chúng ta đã chứng kiến trong năm 2022. Nhưng dù sao thì các dự báo đều cho rằng chỉ số USD Index sẽ thấp xuống nữa, các đồng tiền trên thế giới trong năm 2023 sẽ lên giá dù mức độ không nhiều. Điều đó cho phép ta dự báo đồng Việt Nam sẽ mất giá xoay quanh mức lạm phát.
Trân trọng cảm ơn ông!